Khi đàn ông may vá
Anh Hoàng Quốc Duy (ở phường Thị Nại, TP Quy Nhơn) đã gắn bó với nghề may vá 22 năm qua. Trước kia, anh Duy và vợ mở một tiệm may nhỏ chuyên may âu phục nam nữ. Khi nghề may không còn thịnh hành như xưa, anh chuyển qua sửa chữa quần áo theo yêu cầu. “Thật ra tôi cũng từng làm những công việc khác, nhưng nghề may vá đã gắn bó rất lâu khiến tôi cảm thấy nhớ”, anh Duy kể.
Một số bạn bè của anh Duy là nam giới cũng mở tiệm may. Anh Duy chia sẻ rằng, nhiều người nghĩ rằng may vá là nghề của phụ nữ. Tuy nhiên, chỉ có nam giới mới hiểu được nhu cầu trang phục của chính mình, nhiều khi họ ngại đến các tiệm may của nữ. Quần áo mua bên ngoài thường không vừa vặn nên họ tìm đến anh.
Anh Tuấn tỉ mỉ sửa đồ cho khách. Ảnh: X.Q
Nghề sửa chữa, may vá quần áo đôi lúc lại là lựa chọn của nhiều người vì những lý do đặc biệt. Ở gần chợ Khu 6 (phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn), hằng ngày, anh Nguyễn Văn Tuấn vẫn miệt mài với công việc sửa quần áo. “Gà trống nuôi con”, công việc này tạo nguồn thu nhập để anh nuôi con ăn học. Trước kia, anh từng làm nhiều nghề. Tuy nhiên, cuộc mưu sinh khiến anh phải thường xuyên xa nhà, không thể chăm sóc cho con đang độ tuổi mới lớn. Được một người bạn hướng dẫn học may, rồi chiếc máy may là người bạn thân thiết giúp anh có thu nhập để nuôi con.
“Tôi cảm thấy hài lòng vì nghề này đã cho tôi cơ hội kiếm tiền, lại có thời gian toàn tâm toàn ý lo cho con. Nhiều khách quen tìm đến sửa đồ cũng khiến tôi thấy vui, vì họ đã công nhận sự khéo léo từ đôi tay chai sần của mình”, anh Tuấn vui vẻ kể.
Anh Tuấn còn cho biết thêm, hiện nay nhiều người có thói quen đặt mua quần áo trên mạng xã hội, nhiều khi nhận hàng mặc không vừa, họ tìm đến những người sửa chữa quần áo, nên anh và đồng nghiệp có thêm thu nhập ổn định.
Anh Dương Văn Mãi (ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) cũng là một thợ may vá có số phận đặc biệt. Thoát khỏi cửa tử sau cơn tai biến, anh bị liệt chân trái, việc đi đứng gặp nhiều khó khăn. Thấy vợ tất tả ngược xuôi nuôi con, anh mong muốn kiếm được tiền để phụ giúp. Trước kia, cha anh cũng là một thợ may, nên công việc sửa quần áo là dễ tiếp cận nhất.
“Trời thương nên cho mình còn đôi tay lành lặn để sửa quần áo. Khi còn ngồi bất động, nhìn dòng người qua lại tôi cảm thấy rất chạnh lòng. Nghề này có ý nghĩa rất lớn đối với tôi, vì giúp tôi quên đi nỗi buồn bệnh tật và còn có thể đỡ đần vợ nuôi 2 con”, anh Mãi chia sẻ.
XUÂN QUỲNH