Nuôi bò sữa kết hợp tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi
Từ năm 2001, gia đình ông Trần Duy Thái Sơn, ở thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát) bắt đầu tham gia vào dự án nuôi bò sữa kết hợp với tiêu thụ sản phẩm sữa bò an toàn. Ðến nay mô hình của ông Sơn đã được Hội Nông dân tỉnh cấp chứng nhận mô hình nông dân sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị giai đoạn 2021 - 2025.
Theo ông Sơn, việc được chứng nhận chuỗi giá trị là cơ hội để gia đình ông tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô của trang trại nuôi bò sữa, tiếp tục duy trì sự phát triển ổn định của mô hình này.
Năm 2001, gia đình ông Sơn là một trong những hộ đầu tiên ở thị trấn Ngô Mây đăng ký tham gia dự án nuôi bò sữa hộ gia đình tại địa phương. Ông Sơn tiếp cận gói vay hỗ trợ từ Quỹ Đầu tư và phát triển tỉnh Bình Định, mua 4 con bò sữa làm vốn. Ông học hỏi kỹ thuật từ các lớp tập huấn của ngành nông nghiệp tỉnh, huyện, mạnh dạn áp dụng quy trình chăn nuôi bò sữa theo tiêu chuẩn VietGAP. Để đàn bò sữa phát triển ổn định, ông thuê đất làm trang trại đúng chuẩn, trồng cỏ và kết hợp với các phế phụ phẩm nông nghiệp khác nhằm chủ động đảm bảo thức ăn hợp vệ sinh, cân đối dinh dưỡng cho bò. Đến nay, đàn bò sữa của gia đình ông Sơn đã có 80 con, trong đó có 40 con trong độ tuổi lấy sữa; bình quân mỗi ngày ông cung cấp 200 - 300 lít sữa tươi cho Công ty CP sữa Việt Nam - Chi nhánh Nhà máy sữa Bình Định (Vinamilk Bình Định), ngoài ra còn cung cấp cho các cơ sở chế biến các sản phẩm từ sữa ở địa phương.
Ông Sơn chăm sóc bò sữa ở thời kỳ trưởng thành trước khi đưa vào khu nuôi khép kín để vắt sữa. Ảnh: THU DỊU
Ông Sơn cho biết: Kỹ thuật chăn nuôi bò sữa không quá phức tạp nhưng đòi hỏi người nuôi phải đầu tư thời gian, chăm chút cho bò từ chế độ dinh dưỡng hằng ngày; vệ sinh chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải… phải đảm bảo. Bò khỏe mạnh, được cung cấp dinh dưỡng đủ đầy thì nguồn sữa tươi mới đảm bảo đáp ứng tốt các điều kiện phẩm cấp mà bên mua đã thiết lập. Do vậy, ngay từ khi bắt đầu chuyển sang nuôi bò sữa, xây dựng, hoàn chỉnh và phát triển mô hình, cả nhà tôi gần như dành toàn thời gian ở trang trại để chăm sóc, theo dõi các chỉ số sinh trưởng của bò sữa trong quá trình nuôi. Công tác chăm sóc, chế động dinh dưỡng và phòng chống dịch bệnh là vô cùng quan trọng. Đến nay, tôi đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng cho trang trại bò sữa gồm các hạng mục chuồng trại; máy vắt sữa bò; thiết bị trong chăm sóc bò và trồng 1 ha cỏ. Nhận định nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sữa tươi tăng cao, tôi tính toán duy trì đàn bò sữa, đồng thời tới đây sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô trang trại để không chỉ trồng cỏ mà còn kết hợp trồng thêm một số loại cây khác để đa dạng hóa thức ăn nuôi bò.
Gia đình ông Sơn tập trung nguồn lực đầu tư phát triển trang trại qua từng năm. Trên cơ sở được Hội Nông dân tỉnh chứng nhận mô hình sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, ông Sơn đang đề nghị chính quyền, các ngành tạo điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi nhằm mở rộng quy mô; tiến tới liên kết thêm các hộ chăn nuôi bò sữa và tăng khả năng tiêu thụ cho sản phẩm.
Ông Đỗ Thiện Chế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh chia sẻ, giai đoạn 2023 - 2025, Hội tập trung nguồn lực hỗ trợ các mô hình/dự án đầu tiên được chứng nhận để từng bước phát huy được thế mạnh của nông dân trong phát triển kinh tế ở địa phương. Mô hình nuôi bò sữa mà gia đình ông Trần Duy Thái Sơn đã xây dựng, phát triển là 1 trong 12 mô hình/dự án đầu tiên được công nhận. Sau bước công nhận, Hội có những bước hỗ trợ cụ thể như chuyển giao kỹ thuật; lên kế hoạch phát triển quy mô sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tạo điều kiện tiếp cận vốn - một trong những yếu tố mà hầu hết nông dân đều gặp khó khăn khi muốn mở rộng quy mô. Trên tinh thần tập trung đầu tư cho các chuỗi, Hội Nông dân tỉnh đầu tư tạo được một số mô hình điểm để bà con có thể tham quan, học hỏi và từ đó có thêm động lực cùng nhau áp dụng phù hợp, phát triển kinh tế.
THU DỊU