Nâng cao hiệu quả học lịch sử
Nhằm tiếp tục thực hiện tốt Chương trình phối hợp số 217/Ctr-BGDÐT- BVHTTDL ngày 4.3.2022 của Bộ GD&ÐT và Bộ VH-TT&DL triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa, Sở VH&TT và Sở GD&ÐT đã ký kế hoạch phối hợp thực hiện chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa cho học sinh toàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2026.
Những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, quảng bá kết nối bảo tàng với công chúng, Bảo tàng tỉnh chủ động phối hợp với Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn tổ chức nhiều tiết học lịch sử tại bảo tàng dành cho học sinh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố, mang lại hiệu quả cao. Đến bảo tàng, các em học sinh được tham quan, tìm hiểu về lịch sử địa phương với phương pháp truyền đạt kiến thức trực tiếp kèm hình ảnh trực quan sinh động, từ đó có cái nhìn bao quát hơn.
Học sinh hứng thú với tiết học lịch sử tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Đồng hành với học sinh trong những buổi học lịch sử tại bảo tàng là các thuyết minh viên đóng vai trò truyền đạt kiến thức. Tùy vào cấp học, các thuyết minh viên có những cách hướng dẫn, kể chuyện phù hợp để các em nắm bắt.
Th.S Nguyễn Thị Nhân, thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh, chia sẻ: “Chúng tôi biên soạn chương trình thuyết minh để dạy lịch sử tại bảo tàng theo 10 chủ đề khác nhau với nội dung súc tích, ngắn gọn. Cụ thể, giới thiệu chủ đề Bác Hồ với thiếu nhi nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6; giới thiệu chủ đề các anh hùng liệt sĩ Bình Định nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7, Ngày Quân đội nhân dân Việt Nam 22.12; cùng với những chủ đề mới giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể bài chòi dân gian, hát bội, võ cổ truyền Bình Định; bảo vật quốc gia; văn hóa Sa Huỳnh, Champa ở Bình Định… Chúng tôi cũng tương tác với các em bằng cách đặt ra những câu hỏi cụ thể để các em trả lời nhằm tạo hứng thú trong buổi học”.
Em Nguyễn Tân Thịnh, học sinh lớp 6A1, Trường THCS Lê Lợi, TP Quy Nhơn chia sẻ: “Trường em thường tổ chức các buổi học lịch sử tại Bảo tàng tỉnh. Chúng em rất thích thú khi đến bảo tàng được tận mắt xem hiện vật, tư liệu, hình ảnh, cùng các bạn thảo luận, giúp học môn lịch sử dễ hiểu, nhớ lâu hơn; càng thêm tự hào về quê hương Bình Định”.
Nhằm nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ về gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc, phát huy mô hình tiết học lịch sử do Bảo tàng tỉnh phối hợp với Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn duy trì thực hiện từ năm 2016 đến nay, Sở VH&TT và Sở GD&ĐT đã ký kế hoạch phối hợp để nhân rộng mô hình học lịch sử, văn hóa tại bảo tàng cho tất cả học sinh các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn tỉnh.
Bà Lê Thị Điển, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Sở đã chỉ đạo Phòng Giáo dục trung học, Phòng Giáo dục mầm non - tiểu học phối hợp với Bảo tàng tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện hằng năm; thông báo cho các trường THPT, phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố có phương án triển khai thực hiện. Ngoài việc tổ chức hoạt động trải nghiệm tại bảo tàng, các trường còn tổ chức cho học sinh đến tìm hiểu các làng nghề truyền thống, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh… Bên cạnh mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phối hợp chung giữa Sở GD&ĐT và Sở VH&TT, chúng tôi còn hướng đến đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tăng cường phát huy phẩm chất, năng lực học sinh gắn với thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Bảo tàng tỉnh sẽ phối hợp với các trường triển khai kế hoạch giáo dục lịch sử, văn hóa cho học sinh như một phần của chương trình giáo dục mang ý nghĩa nhiều mặt. Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Chúng tôi sẽ xây dựng chương trình tiết học lịch sử tại bảo tàng có ứng dụng thiết bị nghe nhìn hiện đại; nội dung phù hợp với chủ đề trưng bày tại bảo tàng, chương trình dạy và học môn lịch sử hiện hành. Cùng với đó, xây dựng mô hình bảo tàng lưu động, bảo tàng vali... đến với học sinh các huyện trong tỉnh; tổ chức các trò chơi như: Rung chuông vàng, Theo dòng lịch sử, Hành trình văn hóa, Họa sĩ nhí, thi múa Chăm, Kể chuyện lịch sử... tại bảo tàng để lôi cuốn học sinh, góp phần nâng cao công tác giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua di sản văn hóa.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN