Một tác phẩm sâu sắc về thời lửa đạn
Cách đây ít lâu tôi thật vui khi nhận cuốn sách Hai lần vượt Trường Sơn - món quà quý do nhà báo Kim Toàn gửi tặng. Ngay từ những trang đầu tiên tôi đã bị hút vào những ghi chép chi tiết, chân thực quý giá về hai chuyến vượt Trường Sơn của tác giả.
Nhà báo Kim Toàn dấn thân vào làng báo chí cách mạng rất sớm, từ năm 1960 khi tuổi vừa tròn 20 và trưởng thành ngay chính trên quê hương Kiến An, TP Hải Phòng. Mùa xuân năm 1966, ông cùng 22 nhà báo được dự học “lớp báo chí đặc biệt” của Ban Tuyên huấn Trung ương rồi bí mật đi B - chiến trường miền Nam.
1. Nhà thơ Tố Hữu viết: Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa/Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình.
Hai lần vượt trường Sơn gói gọn trong 450 trang sách và ở đó nhà báo Kim Toàn đã hé mở dần những bí ẩn của Trường Sơn để những người đọc chưa từng biết Trường Sơn có dịp được “hiểu mình” hơn. Sách chia là ba phần: Thăm thẳm Trường Sơn viết về chuyến đi B bí mật vào “Ông Cụ” (Mật danh của chiến trường Nam bộ); Thênh thang Trường Sơn là lần trở ra hậu phương lớn. Và phần 3 là những cảm nhận của bạn đọc viết về tác giả qua những tác phẩm xuất bản trước đó của ông…
Với bút danh Cao Kim, nhà báo Kim Toàn có gần 10 năm lăn lộn trong lửa đạn tại chiến trường miền Nam. Ông là phóng viên Báo Giải phóng, cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, hoạt động tại chiến trường Nam Bộ và mặt trận Sài Gòn - Gia Định... Ông có những tháng ngày cùng nhà báo Thép Mới bí mật hoạt động ở nội thành Sài Gòn, ngay tại sào huyệt địch, vừa cầm bút vừa cầm súng, trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân năm 1968 lịch sử... Và, trong một trận chiến đấu ác liệt chống địch phản kích cũng tại nơi này, ông được ghi tên vào danh sách… liệt sĩ. Nhưng rồi ông đã may mắn trở về...
Dõi theo những trang sách, tôi rưng rưng xúc động bởi lần đầu được theo chân đoàn nhà báo đặc biệt - từ năm 1966 đã bí mật đi bộ xuyên suốt trên con đường huyền thoại mà tướng Võ Bẩm và cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 mới mở để được vào thấu tới đất Nam Bộ thành đồng Tổ quốc.
2. Với cách viết chân mộc rõ ràng của tác giả, những con chữ bé nhỏ càng lúc càng cuốn hút người đọc “đi theo”, rồi “đi cùng” và còn như “đi bên cạnh” các nhà báo... trên suốt dải Trường Sơn đầy gian lao, thử thách. Qua cách miêu tả cận cảnh sự việc của tác giả, người đọc luôn hồi hộp, lo âu, xúc động, thương cảm những chàng trai vượt dốc cao, vực thẳm, suối sâu, sông rộng, rồi bị lạc rừng, bị thương và sốt rét, đói, khát... nhiều bữa phải ăn cháo hoặc măng rừng thay cơm.
Trong khó khăn, gian khổ, anh em càng thêm gắn bó và động viên nhau dù gian khổ đến mấy cũng cố gắng vượt qua. Người nọ giúp đỡ người kia, người yếu ít giúp người yếu nhiều, quyết tâm cùng đi tới đích. Chính tình yêu thương đó trở thành nguồn động viên lớn cho mỗi người tự nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của mình hơn với quyết tâm không lùi bước. Và dù trong hoàn cảnh nào, Kim Toàn cùng đồng đội vẫn vững vàng.
Ở phần hai của tập sách - Thênh thang Trường Sơn viết về lần nhà báo Kim Toàn vượt Trường Sơn ngược ra Bắc vào đầu mùa xuân năm 1974. Sau gần 10 năm lăn lộn tại chiến trường, từng bị thương, bị bom vùi, sốt rét, đau gan và ảnh hưởng bởi chất độc hóa học của Mỹ, sức khỏe quá sút kém, nên ông được Ban Tổ chức Trung ương Cục quyết định đưa ra hậu phương lớn khám chữa bệnh để ổn định sức khỏe rồi tiếp tục trở lại chiến trường.
Lần thứ hai nhà báo Kim Toàn vượt Trường Sơn giữa lúc cách mạng miền Nam đang trên đà lớn mạnh, mọi người được đi bằng xe cơ giới, không phải lội bộ như lần vào Nam. Tuy có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp nhiều thử thách không nhỏ. Đầu tháng 3.1974, khi đang cùng đoàn hành quân tới trạm giao liên CT4, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, nhà báo Kim Toàn bất ngờ bị bệnh nặng. Ông được chuyển tới Bệnh viện quân y dã chiến 41 của Quân khu 4 trong tình trạng “thập tử nhất sinh” và phải cấp cứu suốt hơn nửa tháng.
Ngay những phút cái chết đang cận kề, với bản lĩnh của một nhà báo dày dạn chiến trận, Kim Toàn vẫn rất bình tĩnh lo cho cái chung và đầy trách nhiệm với đồng chí, anh em, bạn bè. Ông dặn bạn giúp mang ba lô của mình về cho gia đình, chuyển những tài liệu quý cho thủ trưởng Hồng Châu - Thép Mới. Và ông dặn kỹ nhờ bạn chuyển giúp số băng ghi âm và thư của hơn một trăm người tại chiến trường nhờ mình cầm về gửi các gia đình người thân ở miền Bắc... Nhưng rất may, nhờ các bác sĩ tận tâm cứu chữa, nhờ những dòng máu ân tình của nhiều cán bộ, chiến sĩ tiếp cứu, ông đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần, trở về với đồng đội.
3. Có thể nói, Hai lần vượt Trường Sơn là cuốn sách viết về thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước khá thành công, có ý nghĩa giáo dục rất lớn - một đề tài chưa bao giờ cạn trong nền văn học Việt Nam. Sách mới ra mắt trong một tháng đã có sự cuốn hút, sức lan tỏa nhanh đến nhiều đối tượng nhờ tính chân thực báo chí. Tôi đã đọc đi đọc lại tập sách này tới hai, ba lần và lần nào đến trang cuối cũng chưa muốn gấp lại, bởi luôn bồi hồi xúc động, ngẫm ngợi, liên tưởng.
Với Hai lần vượt Trường Sơn, chắc rằng rất nhiều bạn đọc sẽ tìm thấy hình bóng mình trong đó, hoặc bóng dáng người cha, người chú, anh em thân yêu của gia đình mình - tự hào từng là những người từng vượt Trường Sơn, băng qua lửa đạn, gian khổ, ác liệt, góp phần xương máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc.
Tên tuổi của nhà báo Kim Toàn được nhiều nhà báo trong nước biết đến từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, đó là nhà báo năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và rất hăng say trong hoạt động báo chí từ những năm đầu đất nước tiến hành công cuộc đổi mới. Những năm đó, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Biên tập, rồi Tổng Biên tập Báo Hải Phòng, Chủ tịch Hội Nhà báo Hải Phòng và nhiều khóa tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam.
BÙI THỊ XUÂN MAI