Sự học “không bao giờ cùng”
Là những cá nhân nổi bật của tỉnh được Trung ương Hội Khuyến học trao học bổng “Học không bao giờ cùng”, nhiều chị em dù xuất thân, ngành nghề, độ tuổi khác nhau nhưng đều có điểm chung là coi trọng sự học - con đường gợi mở tương lai tốt đẹp. Bởi thế, họ không ngừng nỗ lực, cố gắng từng ngày.
Chuyện phía sau học bổng
Để được trao học bổng, mỗi người đều có những câu chuyện riêng, song tất cả đều có tinh thần vượt khó.
Được công nhận danh hiệu Gia đình học tập, Gia đình văn hóa cấp xã lẫn thị xã nhiều năm liền, gia đình chị Lê Thị Lệ Quyên (SN 1980, ở xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn) được nhiều người ngưỡng mộ bởi sự sung túc, đầm ấm. Chị Quyên công tác hơn 25 năm tại Trường Mầm non Nhơn Lộc, giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng từ năm 2020 đến nay; nhiều lần đạt giải giáo viên dạy giỏi, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp.
Chị Lê Thị Lệ Quyên (ở xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn) dù bận rộn nhưng vẫn dành thời gian cùng con gái Thùy Linh đọc sách, học thêm điều mới. Ảnh: D.LINH
Thế nhưng ít người biết, chị đã làm việc, kiên trì gấp bội để vừa dạy dỗ 2 con, vừa cùng chồng từng bước xây dựng công ty gia đình sau quãng thời gian vừa học vừa làm vất vả. Tuy vậy, chị vẫn dành thời gian mỗi tối để nghiền ngẫm sách vở, tài liệu chuyên môn. “Làm nghề giáo, tôi phải không ngừng học hỏi, rèn giũa kỹ năng sư phạm lẫn những kiến thức phổ thông. Chỉ có như vậy, tôi mới tự tin làm nghề, dạy con”, chị Quyên chia sẻ.
Khác với chị Quyên, chị Đoàn Thị Bé (SN 1973, ở xã Nhơn Khánh, TX An Nhơn) vì hoàn cảnh khó khăn mà chỉ được học hết lớp 9. Chị bắt đầu mỗi ngày mới vào lúc 4 giờ, bằng việc chuẩn bị rau củ quả để rong ruổi khắp mọi nẻo đường bán cho khách. Khó khăn chồng chất khi chồng qua đời, chị một mình làm đủ việc để nuôi nấng 3 cô con gái ăn học.
Chị Đoàn Thị Bé (ở xã Nhơn Khánh, TX An Nhơn) tại buổi lễ trao học bổng “Học không bao giờ cùng”. Ảnh: NVCC
Chị Bé tâm sự: “Từ trải nghiệm bản thân, tôi nhận ra nỗi thiệt thòi lớn khi không được đến trường đầy đủ. Dù muốn học lắm, nhưng tôi đành gác lại khát khao ấy vì bận mưu sinh. Tôi hay bảo với con mình, mẹ có phải nhịn đói, vay mượn cũng nhất định không để con dở dang chuyện học”.
Là 1 trong 10 học sinh được trao học bổng lần này, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (SN 2006, ở xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) mang theo niềm tự hào của người thân. Cô bé chịu nhiều thiệt thòi, gia đình không trọn vẹn, sống với mẹ và bà ngoại già yếu. Mẹ thường xuyên tăng ca, em phải ở nhà lo việc bếp núc, nội trợ, chăm bà và tự học. Thế nhưng, Quỳnh vẫn đạt thành tích đáng ngưỡng mộ: Là học sinh giỏi nhiều năm liền, đạt giải khuyến khích môn Văn trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2022 - 2023…
Em Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (ở xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) rèn luyện thêm môn tiếng Anh. Ảnh: NVCC
Niềm hy vọng và ước mơ
Không chỉ là “việc phải làm”, với họ, việc học còn gợi mở về cuộc sống tốt đẹp hơn. Do vậy, ngoài tự rèn luyện bản thân, họ còn hướng gia đình, người thân cùng cố gắng.
Luôn xem mẹ Quyên là thần tượng, cô bé Phạm Thùy Linh (SN 2008) lấy đó là hình mẫu để nỗ lực từng ngày. Nhờ vậy, từ nhỏ, Linh đã thường xuyên đạt giải trong các cuộc thi học sinh giỏi ở địa phương và nhận học bổng nhờ thành tích xuất sắc. Mới đây nhất, cô bé đã đậu vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
Linh bày tỏ: “Ngoài theo sát việc học, mẹ dù bận bịu nhưng vẫn lựa sách và cùng em đọc, trao đổi nội dung. Hơn nữa, thấy mẹ làm việc miệt mài, chăm chỉ, em cũng tự dặn bản thân không thể lười biếng”.
Còn đối với Quỳnh, học tập chính là con đường đến ước mơ - em mơ về một cuộc sống đủ đầy, nơi mẹ đỡ vất vả và có thể nghỉ ngơi nhiều hơn. “Em mong muốn thi vào Khoa Kinh tế đối ngoại của Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) để có nhiều cơ hội việc làm. Tỷ lệ chọi rất cao, đòi hỏi em phải nỗ lực hơn nữa, nhất là tiếng Anh, môn học phần lớn học sinh ở nông thôn rất lo ngại. Em nhất định không nản chí mà sẽ nỗ lực hết sức để mau đỡ đần phụ mẹ”, Quỳnh trải lòng.
Học tập còn là niềm hy vọng được gửi từ cha mẹ đến con cái. Đặt trọn ước mơ học tập đầy đủ vào 3 người con, chị Bé thực sự tự hào khi con dần trưởng thành, phụ mẹ trang trải phí sinh hoạt. Không từ bỏ chuyện học, chị nói vui, khi cuộc sống bớt khó khăn hơn, chị sẽ nhờ con gái út giảng giải thêm cho mẹ một vài kiến thức trong sách vở, bởi “học không bao giờ cùng”.
DƯƠNG LINH