Xuất khẩu lao động để lập thân, lập nghiệp
Hoài Ân hiện là địa phương có số lượng người xuất khẩu lao động cao nhất tỉnh. Người trẻ ở đây suy nghĩ cởi mở, mạnh dạn hơn trong tìm kiếm cơ hội việc làm ở nước ngoài, được các cấp chính quyền, đoàn thể hỗ trợ tối đa.
“Xã xuất khẩu lao động”
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định, tổng số trường hợp xuất khẩu lao động (XKLĐ) trong 6 tháng đầu năm của toàn tỉnh là 595 người, trong đó huyện Hoài Ân có 179 người. Nổi bật trong hoạt động XKLĐ tại huyện Hoài Ân là xã Ân Tường Tây với 130 trường hợp.
Bà Nguyễn Thanh Nguyên, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây, cho biết: “Ở tất cả 6 thôn của xã đều có người dân đi XKLĐ. Điểm chung của những trường hợp XKLĐ tại xã là đều dành dụm được số vốn nhất định, giúp bản thân và gia đình sống tốt hơn”.
Là trường hợp đầu tiên của xã đi XKLĐ, chị Trần Thị Hồng Thắm (SN 1984) vẫn nhớ như in cảm giác hồi hộp xen lẫn lo lắng khi quyết định rời xa vòng tay gia đình, đến xứ lạ làm việc để có thu nhập tốt hơn.
“Tôi tìm hiểu kỹ nhiều nơi để chọn ra môi trường phù hợp nhất với bản thân. Thế rồi đến năm 2007, tôi qua Nhật Bản làm việc, phấn khởi vì đã lựa chọn đúng con đường. Tôi dần trả được nợ, còn có khoản dành dụm. Tôi đã động viên anh trai và em gái cùng XKLĐ. Đến nay, chúng tôi đều đã trở về, tài chính vững vàng hơn trước nhiều”, chị Thắm tâm sự.
Cũng nhiệt tình chia sẻ về trải nghiệm sau hơn 10 năm XKLĐ tại Hàn Quốc, anh Huỳnh Ngọc Vĩ (SN 1991) cho biết, vì nhà làm nông, kinh tế khó khăn nên học xong lớp 12, anh quyết định XKLĐ để bớt gánh nặng cho cha mẹ. Sau 3 tháng học tiếng Hàn, anh xuất ngoại. Chỉ khoảng 2 năm sau, anh đã gửi tiền phụ giúp người thân xây sửa nhà mới rộng rãi hơn, đẹp hơn.
Anh Vĩ kể: “Trước tôi, anh ruột và nhiều anh em trong xóm đã XKLĐ thành công, gánh vác trách nhiệm tài chính cho gia đình. Do đó, tôi đã hỏi thăm họ và tìm hiểu thêm các thông tin, làm thủ tục XKLĐ. Điều mừng nhất là hơn 10 năm, tôi dành dụm được khoản tiền đủ để phụng dưỡng chu đáo cha mẹ đến cuối đời”.
XKLĐ còn là cánh cửa mở ra hướng đi khác, giúp người trẻ có cơ hội xây dựng cuộc sống mới. Là chị cả trong gia đình có 4 chị em, chị Nguyễn Ngọc Ánh (SN 1994) đã tìm đến XKLĐ để giảm bớt nỗi lo chăm sóc bầy em thơ bởi cha mẹ chị không may mất sớm.
6 năm ở Nhật, chị Ánh chăm chỉ làm việc và học thêm kiến thức đầu tư, kinh doanh. Đến khi về quê hương, chị mở tiệm bán quần áo và xây lại mái ấm cho 4 chị em. “Ngoài lợi ích đầu tiên là thu nhập cao, XKLĐ còn giúp tôi tự lập, rèn thói quen học tập, sinh hoạt quy củ, có mục tiêu phấn đấu”, chị Ánh bày tỏ.
Cán bộ địa phương đến thăm căn nhà đang xây bằng tiền dành dụm nhờ XKLĐ và đầu tư kinh doanh của chị Ánh. Ảnh: D.L
Tạo thuận lợi cho thanh niên XKLĐ
Phần lớn lực lượng tham gia XKLĐ là người trẻ, tìm hiểu thông tin qua nhiều kênh như trung tâm giới thiệu việc làm, hội đoàn thể… Trong đó, Đoàn Thanh niên với lợi thế nắm rõ địa bàn, gần gũi với giới trẻ nên có vai trò như “chất xúc tác” quan trọng.
Theo anh Lê Thanh Việt, Bí thư Huyện đoàn Hoài Ân, hằng năm, Huyện đoàn đều phối hợp cùng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định tổ chức chương trình tư vấn hướng nghiệp cho ĐVTN và học sinh các trường THPT trên địa bàn huyện; đồng thời triển khai các phiên giao dịch việc làm vào 3 đợt chính là đầu năm, Tháng Thanh niên và Chiến dịch tình nguyện hè.
Song song đó, Huyện đoàn còn quan tâm đến lực lượng thanh niên xuất ngũ ở địa phương, gặp gỡ, động viên đối tượng này tích cực tham gia các buổi hướng nghiệp, học nghề, lấy đó làm nền tảng thuận lợi cho XKLĐ; sẵn sàng tư vấn các thủ tục vay vốn từ Ngân hàng CSXH nhằm hỗ trợ tốt nhất cho thanh niên XKLĐ.
Từ cách làm trên, ngày càng nhiều thanh niên không xem XKLĐ là “phương án B”, mà có cái nhìn cởi mở hơn, tăng thêm số lượng người trẻ ở huyện tham gia XKLĐ.
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng ngoài hiệu quả kinh tế, XKLĐ còn giúp mỗi người trẻ trải nghiệm, tích lũy nhiều kinh nghiệm sống mới mẻ; biến nó thành “vốn liếng” để ngày trở về có thể làm giàu cho bản thân, gia đình, góp phần thay đổi bộ mặt quê hương”, anh Việt nói.
DƯƠNG LINH