Cần lắm một “sợi dây” liên kết
Phong trào chơi bóng bàn ở tỉnh Bình Định trong những năm gần đây có sự phát triển khá đa dạng. Bóng bàn là một trong số các môn thể thao được nhiều người ưa thích và thường xuyên tập luyện tại các trung tâm thể thao, CLB, cơ quan, đơn vị... Cùng với sự phát triển của các dịch vụ thể thao tư nhân và các trung tâm cho thuê sân tập bóng bàn thì CLB bóng bàn ở các địa phương cũng được thành lập để đáp ứng nhu cầu của người yêu thích bộ môn này.
Nhiều cơ quan, đơn vị, DN đã đầu tư hệ thống bàn thi đấu, lưới, vợt, đồng phục… dưới hình thức xã hội hóa. Hằng năm, nhiều cơ quan, đơn vị, DN và các địa phương trên địa bàn tỉnh đều tổ chức giải bóng bàn với nội dung đa dạng, thu hút nhiều lứa tuổi tham gia tranh tài. Tất cả những điều trên cho thấy, phong trào bóng bàn ở Bình Định có nhiều tín hiệu đáng ghi nhận.
Nhưng cùng với sự phát triển ấy, vẫn còn nhiều băn khoăn khi bộ môn này còn khá đơn độc và thiếu tính định hướng lâu dài. Bởi hầu hết các hoạt động dành cho môn bóng bàn trong tỉnh vẫn thiếu tính kết nối, đa dạng nên chưa tạo được nhiều dấu ấn. Đa số các giải đấu bóng bàn chỉ mang tính nội bộ, sân chơi chỉ dành riêng cho một vài đối tượng ở nhóm tuổi nhất định chứ chưa thật sự truyền cảm hứng, tạo động lực để thành phong trào mạnh mẽ.
Mặc dù từ tỉnh đến cơ sở đều có đủ các cơ quan chức năng quản lý về thể thao nói chung - trong đó có môn bóng bàn, nhưng lại thiếu những người có đủ chuyên môn đứng ra xâu chuỗi hoặc định hướng cụ thể cho hoạt động của môn thể thao này. Chẳng hạn có một vài giải đấu nhưng chưa có sự kết nối rộng rãi giữa các CLB trong và ngoài tỉnh; các nội dung thi đấu chưa đa dạng, chưa mang tính cạnh tranh cao mà chủ yếu tập trung ở một số nhóm tuổi nhất định; chất lượng trọng tài, bàn thi đấu, quy định thi đấu ở một số giải chưa cao. Chừng đó để thấy đâu là nguyên nhân khiến bóng bàn trong tỉnh chưa đủ sức cạnh tranh ở các giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia và các giải đấu ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Thiết nghĩ, trong điều kiện như hiện nay, bộ môn bóng bàn rất cần được đầu tư bài bản hơn, cần sự liên kết, đa dạng hóa các sân chơi, tạo điều kiện cho những người đam mê được thể hiện và cống hiến cho sự phát triển chung của môn thể thao này. Mặt khác, cần quan tâm đến chất lượng của lực lượng VĐV, công tác huấn luyện, đào tạo tại các CLB, công tác tổ chức thi đấu... Đồng thời, ngành chủ quản cũng nên đẩy mạnh phong trào tập luyện, từng bước nâng cao tỷ lệ người tập và chất lượng chuyên môn. Phối hợp tổ chức nhiều giải đấu mở rộng cấp tỉnh, nhằm tạo cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các VĐV. Tích cực huy động các nguồn tài trợ để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần phát triển môn bóng bàn trên địa bàn tỉnh.
THIÊN TRÚC