Quần đảo Natuna và thế tiến thoái lưỡng nan của Indonesia trước Trung Quốc
Ngư dân Indonesia sống trên Quần đảo Natuna, vốn là ngư trường với nguồn lợi hải sản rất lớn, đang lo ngại trước sự xâm phạm thường xuyên của các tàu Trung Quốc, trong khi chính quyền Indonesia vừa muốn ngăn chặn sự xâm phạm lại vừa không muốn mất lòng đối tác kinh tế lớn nhất của nước này.
1.
Natuna là một chuỗi gồm 154 hòn đảo lớn nhỏ, là nơi cư trú của khoảng 80.000 người, trong đó đa số là ngư dân. Quần đảo này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của Indonesia, theo Công ước của LHQ về luật biển 1982 (UNCLOS). Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tuyên bố khu vực này nằm trong ngư trường truyền thống của nước này và vẽ “đường lưỡi bò” phi pháp bao trùm cả vùng biển nơi đây. Trong những năm gần đây, ngư dân nơi này thường xuyên chứng kiến sự xuất hiện của các tàu hải cảnh và thậm chí cả tàu chiến từ Trung Quốc.
Trước đó, từ đầu những năm 2010, với tư cách là quốc gia không có tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, Indonesia đóng vai là cầu nối trong những lần thương thuyết liên quan các vụ kiện hàng hải. Năm 2016, Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với những vùng biển nằm trong “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh tự vẽ ra. Cũng trong năm đó, Indonesia bắt đầu công khai chỉ trích việc “đường chín đoạn” chồng lấn với EEZ của nước này, khi các tàu cá Trung Quốc liên tục đánh bắt trong vùng biển quanh Quần đảo Natuna.
Theo người đứng đầu lực lượng bảo vệ bờ biển Indonesia Mukhlis, từ tháng 1 - 6.2013, các tàu hải cảnh Trung Quốc đến khu vực này ít nhất 6 lần. Đầu năm 2020, hai nước từng xảy ra căng thẳng, khi tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm EEZ của Indonesia. Lần đó, máy bay chiến đấu, tàu chiến và hàng chục tàu khác của 2 nước đã đối đầu nhau. Tuy nhiên, kể từ đó, Jakarta gần như không phản ứng trước tình trạng xâm phạm liên tục của tàu Trung Quốc.
Theo chuyên gia về quan hệ quốc tế Yohanes Sulaiman, Indonesia không muốn tình hình ở Natuna nóng lên, vì Jakarta cần sự đầu tư từ Trung Quốc. Sau vụ đối đầu năm 2020, Bắc Kinh khẳng định họ không có ý định tranh chấp, vẫn coi EEZ của Indonesia là một phần ngư trường lịch sử của Trung Quốc, đồng thời hạ giọng bằng cách cho rằng tranh chấp này có thể giải quyết qua đàm phán song phương. Tuy nhiên, Jakarta khẳng định không có cơ sở cho yêu sách của Trung Quốc vì quốc gia này sẽ không bao giờ công nhận tính hợp pháp của bất kỳ tuyên bố nào dựa trên “đường chín đoạn” vì hoàn toàn không phù hợp với UNCLOS.
Tàu cảnh sát biển Indonesia và tàu hải cảnh Trung Quốc tại vùng biển gần Indonesia hồi tháng 11.2021. Ảnh: Lực lượng bảo vệ bờ biển Indonesia.
2.
Tình hình quanh Quần đảo Natuna diễn ra trong bối cảnh Indonesia đang ngày càng đóng vai trò lớn hơn trên diễn đàn toàn cầu.
Năm ngoái, với cương vị Chủ tịch luân phiên của G20, Indonesia tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 tại đảo Bali, nơi diễn ra cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), việc tham gia những sự kiện ngoại giao quốc tế như vậy vừa giúp nước chủ nhà đóng vai trò cầu nối cho đối thoại và hòa bình giữa các cường quốc, vừa phục vụ cho lợi ích quốc gia.
Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN hồi tháng 7, các thành viên ASEAN và Trung Quốc cũng thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông, vốn lâm vào bế tắc từ những năm 1990. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu rằng, Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với ASEAN và sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong khu vực.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chừng nào Trung Quốc còn duy trì bản đồ “đường chín đoạn” thì sẽ không có thỏa thuận nào được ký kết và điều này đồng nghĩa với việc xung đột giữa Indonesia và Trung Quốc sẽ tiếp diễn. Đầu tháng 9 tới sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và đây được xem là cơ hội khác để Indonesia thúc đẩy các vòng đàm phán COC mới. Nếu không, tiến trình đàm phán này sẽ có thể bị trì hoãn khi Lào tiếp nhận chiếc ghế Chủ tịch luân phiên vào năm sau.
LÊ QUẢNG (Theo CNA)