Đề phòng “giặc lửa”
Ngày 11.8, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại bãi chứa gỗ, dăm gỗ ở sân Cảng Quy Nhơn. Sau hơn 6 giờ chiến đấu với “giặc lửa”, đám cháy đã cơ bản được khống chế. Theo thống kê ban đầu, ngọn lửa đã thiêu cháy khoảng hơn 2.000 m3 gỗ tròn, gần 3.000 m3 dăm gỗ; ước tính thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Nguyên nhân vụ cháy đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Trước đó 2 ngày, tại núi Bà Hỏa cũng đã xảy ra vụ cháy rừng trồng lớn nhất từ trước đến nay ở Quy Nhơn. Cơ quan chức năng đã huy động hàng ngàn người, thuộc các lực lượng Kiểm lâm, Quân đội, Công an, công nhân lâm trường, dân quân địa phương để chữa cháy nhưng vì địa hình hiểm trở, thời tiết khô hanh, gió to nên phải mất hơn 17 giờ ngọn lửa mới được dập tắt. Qua thống kê sơ bộ, diện tích rừng bị thiệt hại khoảng 20ha do Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn quản lý nằm trên địa bàn các phường Đống Đa, Lê Hồng Phong, Ngô Mây, Quang Trung. Nguyên nhân vụ cháy ban đầu được xác định là do một hộ gia đình đốt nhang viếng mộ tại nghĩa địa Hóc Bà Bếp, phường Đống Đa gây cháy lan.
Trước đó nữa, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh đã xảy ra 32 vụ cháy, gây thiệt hại 127,2 ha rừng. Ngoài ra còn nhiều vụ cháy nhà, cháy cơ sở sản xuất, gây thiệt hại không nhỏ cho người dân và doanh nghiệp.
Hỏa hoạn không những gây thiệt hại trực tiếp về tài sản, sinh mạng, sức khỏe của con người mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tác động xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo ngại trong quần chúng nhân dân.
Nguyên nhân chính gây cháy rừng là do người dân xử lý thực bì trước khi trồng rừng gây cháy lan hoặc do sử dụng lửa không đúng quy định trong việc đốt tổ ong, đốt nhang, đốt vàng mã trong rừng. Còn nguyên nhân các vụ cháy nhà, cháy cơ sở sản xuất là do sử dụng điện không an toàn, gây chập điện; do hàn cắt kim loại không cẩn thận; do sử dụng bếp gas, bếp than, thắp nến, đốt vàng mã bừa bãi, thiếu sự kiểm tra, giám sát. Trong khi đó công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở các hộ gia đình và các cơ sở sản xuất kinh doanh còn nhiều bất cập, dẫn đến dễ phát sinh cháy, nổ.
Đáng lưu ý nhiều doanh nghiệp vẫn coi nhẹ công tác PCCC, chấp hành mang tính đối phó khi lực lượng chức năng kiểm tra. Nhiều nơi các trang thiết bị PCCC không đáp ứng yêu cầu; máy bơm để lâu bị kẹt không vận hành được, hệ thống dây bơm nước do bảo quản không đúng quy trình nên bị xoắn, rất khó thao tác khi có sự cố. Mặt khác, các đội PCCC có thành lập nhưng chỉ lấy lệ, không tổ chức tập luyện thường xuyên, do đó không nắm được kỹ thuật trong công tác chữa cháy.
Sự cố cháy, nổ thường diễn ra rất nhanh, nhiều vụ cháy khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tiếp cận thì đã muộn. Do vậy các cơ quan, doanh nghiệp nên thường xuyên kiểm tra hệ thống điện tại nơi làm việc và khu sản xuất để kịp thời phát hiện các sự cố. Các chuyên gia cháy nổ khuyến cáo, các cơ sở sản xuất hết giờ làm việc phải cắt nguồn điện, chỉ để điện chiếu sáng bảo vệ ban đêm. Những khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao như cửa hàng xăng dầu, gas tuyệt đối không được sử dụng lửa trần. Các khu trung tâm thương mại, chợ đầu mối phải bố trí kệ hàng hóa thông thoáng, không lấn đường đi, lối thoát nạn, tập kết hàng hóa xa nguồn gây cháy. Các hộ gia đình không đun nấu khi ra khỏi nhà, đồng thời thường xuyên kiểm tra bếp gas, dây dẫn gas, nếu ngửi thấy mùi gas rò rỉ tuyệt đối không bật, tắt các thiết bị điện hoặc bật bếp để thử mà nên mở cửa nhà cho thông thoáng, di chuyển bình gas ra nơi an toàn rồi báo cho lực lượng chức năng đến hỗ trợ.
Thời gian tới vẫn còn mùa hanh khô, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy, nổ, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn PCCC. Tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh và hướng dẫn việc chấp hành các quy định của Luật PCCC, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngọc Minh