Diễn tập BĐ-23: Hoàn thành tốt nội dung diễn tập vận hành cơ chế
(BĐ) - Trưa 13.8, diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) gắn với phòng thủ dân sự tỉnh năm 2023 (gọi tắt là diễn tập BĐ-23) đã hoàn thành toàn bộ nội dung phần diễn tập vận hành cơ chế. Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo diễn tập Quân khu 5 đã tổ chức họp nhận xét, đánh giá rút kinh nghiệm.
Quang cảnh buổi họp nhận xét, đánh giá rút kinh nghiệm diễn tập BĐ-23 nội dung vận hành cơ chế. Ảnh: HỒNG PHÚC
Dự và chỉ đạo nhận xét, đánh giá rút kinh nghiệm cuộc diễn tập có trung tướng Thái Đại Ngọc - Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu, Trưởng ban Chỉ đạo diễn tập Quân khu 5; trung tướng Trịnh Đình Thạch - Chính ủy Quân khu 5. Lãnh đạo tỉnh có đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo diễn tập BĐ-23; các đồng chí trong Ban Chỉ đạo diễn tập BĐ-23, khung diễn tập tỉnh...
Ban Chỉ đạo diễn tập Quân khu 5 đánh giá: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự chuẩn bị chu đáo, luyện tập kỹ, sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất của các lực lượng, tỉnh Bình Định đã hoàn thành tốt nhiệm vụ diễn tập BĐ-23 phần vận hành cơ chế.
Trung tướng Thái Đại Ngọc - Tư lệnh Quân khu 5 phát biểu nhận xét, đánh giá. Ảnh: HỒNG PHÚC
Phát biểu nhận xét, đánh giá rút kinh nghiệm nội dung vận hành cơ chế trong diễn tập BĐ-23, trung tướng Thái Đại Ngọc đề nghị tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị; Nghị định số 21, Nghị định số 03 của Chính phủ; các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các Ban, bộ, ngành Trung ương, Quân khu về xây dựng, hoạt động KVPT. Chú trọng xây dựng các tiềm lực, nhất là tiềm lực chính trị tinh thần, xây dựng thế trận lòng dân, thế trận quân sự; phát triển KT-XH đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng trong tình hình mới. Quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ về lâu dài.
“Các tình huống mà Ban Chỉ đạo diễn tập Quân khu 5 đặt ra trong diễn tập chỉ là giả định, trên thực tế có thể diễn biến phức tạp hơn rất nhiều, không theo trình tự nào. Do đó, các đồng chí cần tập trung làm tốt công tác chuẩn bị, nhất là việc bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, nghiên cứu kỹ, phân tích, tổng hợp, đánh giá, nhận định tình hình sát đúng, toàn diện. Từ đó xác định quyết tâm chính xác; tham mưu, đề xuất phương án xử trí phù hợp theo từng cương vị đảm nhiệm”, trung tướng Thái Đại Ngọc lưu ý.
Bên cạnh đó, Tư lệnh Quân khu 5 cũng đề nghị tỉnh tiếp tục nghiên cứu cơ chế lãnh đạo, điều hành, chỉ huy tác chiến khi chuyển LLVT vào các trạng thái sẵn sàng chiến đấu, chuyển địa phương vào các trạng thái quốc phòng; bổ sung, điều chỉnh quyết tâm, phương án, kế hoạch; tổ chức huấn luyện sát với tình hình thực tiễn, nhiệm vụ của địa phương và sự phát triển của nghệ thuật, phương thức tác chiến hiện nay... Quan tâm đầu tư ngân sách, nguồn lực để xây dựng KVPT tỉnh; trọng tâm là xây dựng thế trận quân sự, củng cố trường bắn, thao trường huấn luyện; các hạng mục công trình trong căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương các cấp và mua sắm phương tiện, trang bị cho các lực lượng bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ; quy hoạch xây dựng Hải đội Dân quân thường trực.
Tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; làm tốt công tác dân vận, bám dân, sát dân, nắm tình hình từ nhân dân, nhất là các địa bàn trọng điểm; tham mưu, đề xuất các giải pháp căn cơ, toàn diện, giải quyết dứt điểm các nguyên nhân, phức tạp nảy sinh về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh, tuyệt đối không để bất ngờ như vụ việc tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk vừa qua. Riêng nội dung phòng thủ dân sự, tỉnh cần tập trung nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo sớm; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; kết hợp chặt chẽ các biện pháp phòng, chống và khắc phục; trong đó lấy việc đề phòng, ngăn ngừa là chính, chống và khắc phục là biện pháp quan trọng. Đặc biệt, phải tổ chức tốt công tác dự báo, cảnh báo và thông báo rộng rãi; chuẩn bị tốt kế hoạch, phương án; kịp thời huy động lực lượng để nhanh chóng sơ tán, cứu tính mạng và tài sản của nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng- Trưởng ban Chỉ đạo diễn tập BĐ-23 phát biểu tiếp thu. Ảnh: HỒNG PHÚC
Phát biểu tiếp thu, đồng chí Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Trưởng ban Chỉ đạo diễn tập BĐ-23 cho biết: Cuộc diễn tập BĐ-23 có quy mô lớn nhất so với các cuộc diễn tập trước đây, cả về không gian, nội dung, thành phần lực lượng và phương tiện tham gia sử dụng nhiều loại vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại trong bắn đạn thật và áp dụng phương thức thông tin, truyền hình trực tuyến giữa các cuộc họp của tỉnh và huyện Phù Cát.
“Thông qua cuộc diễn tập lần này đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, LLVT và nhân dân trong tỉnh đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, xử lý các tình huống sự cố, hỏa hoạn, thiên tai, môi trường trong phòng thủ dân sự; rèn luyện và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và sự phối hợp hiệp đồng tác chiến giữa Quân đội, Công an, Biên phòng và các đơn vị, bộ đội địa phương, lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ trong xử lý các tình huống xảy ra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Những vấn đề tồn tại, hạn chế cần rút kinh nghiệm cũng chính là những bài học kinh nghiệm quý báu để tỉnh Bình Định tiếp tục nghiên cứu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục, hoàn thiện, làm cơ sở thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng KVPT tỉnh ngày càng vững chắc, góp phần xây dựng KVPT quân khu vững mạnh”, đồng chí Hồ Quốc Dũng bày tỏ.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong diễn tập BĐ-23. Ảnh: HỒNG PHÚC
UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 25 tập thể và 26 cá nhân có thành tích xuất sắc trong diễn tập BĐ-23. Ảnh: HỒNG PHÚC
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong diễn tập BĐ-23. Ảnh: HỒNG PHÚC
HỒNG PHÚC