Tăng lương tối thiểu vùng 2024: Tránh tác động ngược khiến lao động mất việc
Tăng lương tối thiểu vùng cần tính đến khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng như thị trường lao động. Nếu mức tăng quá cao, dễ dẫn đến tình trạng cắt giảm lao động để giảm chi phí.
Mới đây, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp phiên đầu tiên để bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Tại phiên họp đầu tiên, phía Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất mức tăng từ 5-6%, trong khi đó đại diện phía doanh nghiệp đề xuất chưa tăng lương tại thời điểm này. Mức lương tối thiểu vùng 2024 được điều chỉnh thế nào đang là mối quan tâm lớn của người lao động, doanh nghiệp và các chuyên gia.
Nói về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện Trưởng Viện Khoa học, Lao động Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), cựu thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia cho rằng, đa phần các doanh nghiệp hiện nay đang trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Người lao động gặp khó, song cũng có rất nhiều lao động bị mất việc làm do tình hình doanh nghiệp khó khăn. Nếu lương quá cao, doanh nghiệp tiếp tục chịu thêm áp lực có thể dẫn đến tình trạng cắt giảm lao động, điều này đồng nghĩa với gia tăng tình trạng lao động mất việc làm.
“Chúng ta chưa nên tăng lương tối thiểu vùng trong năm tới và cũng không nhất thiết năm nào cũng tăng lương. Trong 6 tháng đầu năm nay, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường rất lớn, nền kinh tế cũng chưa hồi phục”, bà Hương nói.
Nếu chưa tăng lương tối thiểu vùng trong năm tới, nhiều quan điểm cho rằng thời gian áp dụng mức lương tối thiểu vùng hiện tại sẽ là quá dài, trong khi chỉ số giá tiêu dùng vẫn đang tăng nhanh, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, vấn đề thời gian không quá quan trọng, hơn hết cần quan tâm đến giá trị thực của đồng lương đem lại cho người lao động. Mức lương tối thiểu vùng đã phải là mức lương thấp nhất trên thị trường hay chưa?
TS Nguyễn Thị Lan Hương cũng cho rằng, đã đến lúc cần tính đến việc xây dựng một luật về lương tối thiểu, trong đó cần quy định rõ mức độ tăng trưởng kinh tế bao nhiêu, việc làm được duy trì ở mức độ nào thì sẽ tăng lương tối thiểu và tăng bao nhiêu phần trăm…
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, lương tối thiểu chỉ là mức sàn thấp nhất, do đó cần nhìn nhận đúng vai trò, Lương tối thiểu sẽ cần điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, tiền lương.
Bên cạnh việc đảm bảo tiền lương tối thiểu vùng rất cần các giải pháp cùng với doanh nghiệp tăng năng suất lao động, làm sao để tiền lương thực tế của lao động ngày càng tăng lên. Quan trọng hơn nữa là tiền lương tối thiểu có đảm bảo đời sống tối thiểu của người lao động hay không.
Doanh nghiệp là thành tố tạo ra thu nhập quốc dân, song người lao động cũng là yếu tố rất quan trọng, do đó cần tính toán hài hòa lợi ích của cả 2 bên.
“Khi tính toán tăng lương cũng cần xem đến khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng như toàn bộ bức tranh của thị trường lao động. Nếu tăng quá cao, doanh nghiệp không trụ được buộc phải tính đến phương án cắt giảm lao động để giảm chi phí sẽ dẫn đến tác động ngược của tăng lương tối thiểu”, TS Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh.
Bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thông tin, qua khảo sát, nhiều người lao động có thu nhập không đảm bảo chi tiêu tối thiểu, họ mong muốn được làm thêm giờ. Thậm chí nhiều lao động còn muốn tìm kiếm một công việc bên ngoài giúp gia tăng thu nhập.
Theo bà Lan, một bộ phận người lao động có thu nhập cao hơn lương tối thiểu. Song, nhiều doanh nghiệp tìm cách cắt giảm các khoản chi khác nên thực tế khi tăng lương tối thiểu vùng, thu nhập của người lao động không tăng. Trước mỗi kỳ họp lương, công đoàn đều muốn đàm phán lương tối thiểu tăng cao. Nhưng mức điều chỉnh đều không như kỳ vọng của phía đại diện người lao động.
Hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang thảo luận phương án điều chỉnh lương tối thiểu để vừa cải thiện đời sống của người lao động vừa chia sẻ với doanh nghiệp, giúp ổn định nền kinh tế.
Theo Nguyễn Trang (VOV.VN)