Đề xuất 1 quỹ phát triển nhà ở xã hội, huy động từ 5 nguồn khác nhau
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực đề xuất 1 quỹ phát triển nhà ở xã hội. Quỹ này có thể huy động từ 5 nguồn khác nhau. Lãi suất cho vay cho cả chủ đầu tư và người mua nhà sẽ được đề xuất bằng 1/2 so với lãi suất thị trường.
Chính phủ đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Trên thực tế, các Bộ, ngành địa phương đã có những hành động cụ thể để triển khai Đề án này, nhưng việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ.
Vướng mắc lớn nhất trong phát triển nhà ở xã hội là vấn đề pháp lý. Ngoài thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài thời gian dự án đầu tư nhà ở xã hội, việc chủ đầu tư không được quyết định về giá khiến cho doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này.
Một vấn đề vướng mắc khác là xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội. Nếu xác định người không nộp thuế thu nhập cá nhân thì hầu hết cán bộ công chức không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Chính quyền địa phương cũng không thể xác định được có nhà hay không có nhà.
Việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn nhiều vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM nêu thực tế, nhà ở xã hội theo quy định được miễn tiền sử dụng đất, nhưng khi qua cơ quan thuế phải có đơn vị xác định dự án này hoàn thành nghĩa vụ về nhà ở xã hội. Nhưng trong quy định hiện nay, không có đơn vị nào xác định đã hoàn thành nghĩa vụ nhà ở xã hội.
“Nhà ở xã hội theo quy định có 3 hình thức quản lý là tiền, nhà và đất. Tiền vào ngân sách đi theo con đường thuế và tài chính. Nhà sẽ thuộc ngành xây dựng nhưng đất lại thuộc ngành Tài nguyên - Môi trường. Tùy theo đối tượng thực hiện sẽ có 1 cơ quan xác định việc này, nhưng cuối cùng vẫn không có đơn vị nào xác định vì quy định của pháp luật không có”, ông Khiết nêu bất cập.
Trong báo cáo gửi tới Thủ tướng, Bộ Xây dựng cho biết đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đốc thúc các địa phương đẩy nhanh việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội. Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn 4 ngân hàng thương mại nhà nước về nguyên tắc, thời gian triển khai gói tín dụng, thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay.
Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trên thực tế mức lãi suất 8,7%/năm dành cho chủ đầu tư, 8,2%/năm dành cho người mua nhà là chưa hấp dẫn. Theo quy định, sau 5 năm, lãi vay sẽ được thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng. Đây là điều rất rủi ro đối với người thu nhập thấp. Vấn đề đang được đặt ra hiện nay là nếu không đa dạng hóa kênh huy động vốn, mà phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng Ngân hàng, thì công tác phát triển nhà ở xã hội sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực đề xuất 1 quỹ phát triển nhà ở xã hội. Quỹ này có thể huy động từ 5 nguồn khác nhau. Nguồn thứ nhất là từ Ngân sách. Thứ hai là vốn góp từ các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế. Nguồn thứ 3 là phát hành trái phiếu. Thứ tư là vốn đối ứng, hay vốn bổ sung cho vay của các tổ chức tín dụng trong nước. Thứ 5 là nguồn vốn ODA và nguồn từ các tổ chức quốc tế.
“Trong quỹ này vốn Ngân sách Nhà nước sẽ là vốn mồi. Lãi suất cho vay cho cả chủ đầu tư và người mua nhà sẽ được đề xuất bằng 1/2 so với lãi suất thị trường”, TS. Cấn Văn Lực gợi mở.
Theo Thành Trung (VOV1)