Niềm vui giản đơn ở phiên chợ miền núi
Chiếc gùi “chạy chợ” gắn bó với bà Đinh Kte (ở xã An Tân, huyện An Lão) đã từ rất lâu. Mỗi sáng sớm, bà cùng những người hàng xóm đi bộ 13 cây số để đến chợ An Lão (thị trấn An Lão) bán hàng. Chọn cho mình một chỗ ở góc chợ, bà bày ra những nông sản vườn nhà đã hái từ chiều hôm trước, rôm rả chào mời. Trên tấm bao bố là những nải chuối, búp măng tươi, hay nắm rau rừng, mớ cá suối.
Bà Kte kể, mỗi ngày đi làm rẫy, bà đều mang theo hai chiếc gùi để đựng nông sản thu hoạch được. Bà hay xuống suối bắt cá, hái rau bí trồng thêm trên rẫy, hoặc hái rau rừng mọc quanh bờ suối đủ cho một buổi chợ. “Tới mùa quả rừng, chúng tôi đem ra dọc đường bán cho khách vãng lai cũng kiếm được một khoản tiền. Công việc này mang lại rất nhiều niềm vui”, bà Kte chia sẻ.
Những gian hàng đơn sơ của các mẹ, các chị ở chợ An Lão. Ảnh: X.Q
Bà Đinh Thị Rập (ở xã An Tân, huyện An Lão) cũng hay đem rau trái vườn nhà ra chợ bán. Dù lưng đã còng, nhưng hằng ngày bà đều cõng trên vai chiếc gùi nặng 15 kg, đi bộ chừng 10 cây số đến chợ An Lão.
Bà Rập kể, công việc làm rẫy đã quá sức với bà. Ở một góc vườn nhà, bà trồng vài dây bí, dưa leo, nuôi thêm vài con gà. Mỗi ngày, bà dậy sớm thu hoạch đem ra chợ bán. Lâu lâu, con trai đi rẫy lại có thêm măng, chuối rừng. “Dù tuổi đã cao nhưng chân tay vẫn muốn lao động. Mỗi lần bán chỉ kiếm được ít tiền lẻ, nhưng đó là niềm vui tuổi già”, bà Rập kể.
Chị Đinh Thu Huyền (ở thị trấn An Lão) cũng là người gắn với nghề buôn gánh bán bưng. Mỗi năm, mùa xay rừng chín cũng là lúc chị Huyền đi ngược lên xã An Vinh thu mua xay từ người dân địa phương, chở về bán lại.
Chị Huyền kể, hoa quả rừng ngày càng trở thành thức quà rất nhiều người miền xuôi tìm mua. Mùa nào thức ấy, những người phụ nữ miền núi rủ nhau đi hái, gùi đầy trên vai đem ra dọc đường chờ người đến thu mua. Hết mùa quả thì bán rau rừng, ốc đá, gà đồi. Nhờ đó, những người phụ nữ dân tộc thiểu số như chị Huyền có thêm nguồn thu nhập.
XUÂN QUỲNH