Chủ tịch Quốc hội: Nguyên tắc của Bảo hiểm xã hội là phải bảo đảm an toàn, bền vững và hiệu quả
Cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mục tiêu để người dân tham gia bảo hiểm xã hội đa tầng tiến tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân với nguyên tắc đóng - hưởng. Nguyên tắc của bảo hiểm xã hội là an toàn đặt lên hàng đầu, bền vững và hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Thực hiện Phiên họp thứ 25, sáng 17.8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Tại Phiên họp, sau khi Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật Bảo Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh: Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ lưu ý Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) phải phản ánh được tính lịch sử, tâm lý xã hội, dân số, sức khỏe nhân dân, dựa trên những căn cứ khoa học, tính thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, tính toán cụ thể, tính dự báo cao và pháp điển hóa những quy định về chính sách, pháp luật về BHXH.
Các chính sách và tác động hướng đến các mục tiêu của Nghị quyết số 28 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết số 28) đã đặt ra, phù hợp với thực tiễn phát triển của quan hệ lao động, thị trường lao động ở nước ta, khả năng bảo đảm của ngân sách nhà nước, khả năng cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, cần có những đổi mới căn bản để xử lý những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn; phân tích rõ tính ưu việt của các chính sách sửa đổi, bổ sung và tính đến những tình huống phản ứng chính sách của người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự án Luật, các tác động đến tình hình chính trị, KT-XH, dư luận xã hội.
Dự án Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định và tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ: Đánh giá cụ thể, đầy đủ về mối quan hệ giữa Luật BHXH và các luật có điều chỉnh về các chính sách về BHXH (Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Người cao tuổi…) và cập nhật tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Ngoài ra, Chính phủ cần giải trình rõ hơn sự tương thích với Công ước 102 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về an sinh xã hội dự kiến sẽ trình Quốc hội phê chuẩn trong thời gian tới, tương thích với các quy định có liên quan trong các hiệp định song phương, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Cơ quan soạn thảo đã tuân thủ thủ tục, quy trình xây dựng pháp luật, đã tiến hành lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, thể hiện nguyên tắc bình đẳng giới. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá cụ thể hơn đối với từng chính sách để bảo đảm tính khả thi của việc giải quyết vấn đề giới trong dự thảo Luật, đồng thời bổ sung giải trình về việc bảo đảm chính sách dân tộc trong dự án Luật và quy định các nguyên tắc, nội dung liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số về các chính sách bảo hiểm xã hội đặc thù.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, các cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm tra rất khoa học, nghiêm túc. Chính phủ và cơ quan chủ trì là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chuẩn bị dự án luật kỹ.
“Tuy mới lần đầu nhưng nội dung dự án Luật chuẩn bị kỹ, tốt, tính cầu thị rất cao. Báo cáo thẩm tra đã tiếp thu hầu hết các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ Tư pháp và các bộ ngành khác”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đối với lĩnh vực BHXH là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội, cơ bản bám sát, đặc biệt là bám vào các Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Tư tưởng của BHXH có sự cải cách rất căn bản, từ đó lựa chọn nội dung, bám rất sát Nghị quyết, gần đây là Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Nguyên tắc đóng - hưởng, quỹ đầu tư cũng quán triệt rất sát. Một trong những nguyên nhân rút BHXH một lần là do thời gian đóng để hưởng BHXH quá dài (20 năm). Trong lúc khó khăn, thời kỳ đại dịch Covid-19, trong khi đóng BHXH 20 năm sau mới được hưởng thì quá dài, cho nên đôi khi người lao động chọn cái trước mắt nên đã có hiện tượng rút BHXH một lần. Vì thế Nghị quyết 28-NQ/TW nêu rõ, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự án Luật đã rất sát, trong đó cũng giải quyết hài hòa nhiều mối quan hệ, trách nhiệm của quỹ, cơ quan BHXH, các bộ, về cơ bản theo đường hướng khung chiến lược, trên cơ sở đó hoàn thiện cụ thể hơn, thiết kế chính sách cụ thể. Cho ý kiến về các nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kết cấu nghiên cứu Chương II nên tách thành 2 chương riêng về quản lý nhà nước về BHXH và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Quỹ BHXH tính toán cho cân đối, nhà nước bảo trợ quỹ này.
Về mở rộng đối tượng, hiện có một số mô hình kinh tế mới như mô hình kinh tế chia sẻ, quan hệ lao động hiện rất khác.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, về giảm thời gian đóng BHXH, theo Nghị quyết của Trung ương. Có 2 phương án, Ủy ban Xã hội đưa ra 5 quan điểm; mỗi phương án có ưu điểm riêng, trong đó phương án 2 mềm dẻo, hài hòa hơn.
“Đề xuất phương án nghiên cứu tích hợp, sử dụng những mặt tốt nhất của hai phương án này để đưa ra 1 phương án tối ưu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo đó, với những người tham gia BHXH sau khi Luật này có hiệu lực thì không được rút BHXH một lần khi đang trong độ tuổi. Còn với người tham gia trước khi Luật có hiệu lực thì vẫn được rút BHXH một lần nhưng chỉ được rút một phần, phần còn lại được tích lũy, lưu lại trong hệ thống BHXH. Như vậy, người lao động vừa giải quyết được khó khăn trước mắt, vừa có thể quay trở lại hệ thống và tham gia đóng BHXH, để mạng lưới an sinh không bị thủng.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày tờ trình tại phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu 5 đề xuất của Ủy ban Xã hội để tính toán. Riêng quy định về người lao động sau một năm nghỉ việc không nhận BHXH một lần, tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH thì được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) do quỹ BHXH đóng. Thời gian hưởng BHYT tối đa bằng thời gian đóng BHXH của người lao động. Đề nghị nội dung này cần nghiên cứu kỹ hơn.
Cần làm rõ thời gian nghỉ việc và sau khi mất việc, nếu đủ điều kiện thì người lao động cũng đã được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và trong thời gian được hưởng trợ cấp BHTN thì vẫn có thẻ BHYT, đã có luật quy định, đó là lý do cần cân nhắc, xem xét kỹ quy định này.
Yêu cầu của Luật hiện hành và dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) là phải hạch toán độc lập theo từng quỹ thành phần. Nếu áp dụng quy định này, thì quỹ BHXH đóng BHYT cho người lao động bảo lưu thì lấy từ quỹ thành phần nào cần phải làm rõ, không thể nói chung chung là quỹ BHXH.
Bên cạnh đó, cần làm rõ thêm mức tiền đóng BHYT căn cứ trên mức tiền lương nào, tiền lương trước khi nghỉ việc của người lao động hay lương tối thiểu chung, lương tối thiểu vùng và mức đóng BHYT như thế nào. Quy định này có làm giảm động lực tiếp tục tham gia thị trường lao động để đóng BHXH bắt buộc hay không, có làm giảm động lực tham gia BHXH tự nguyện của người lao động không. Đánh giá kỹ tác động của quy định này, nhất là dự kiến số người hưởng chính sách này hàng năm, nguồn kinh phí phải chi và khả năng tác động đến cân đối của Quỹ BHXH nói chung, quỹ thành phần nói riêng.
Theo V.Tôn (Báo Tin tức)