Quan chức NATO xin lỗi sau khi đề xuất Ukraine nhượng lãnh thổ để vào liên minh
Chánh văn phòng Tổng thư ký NATO - ông Stian Jenssen đã xin lỗi và làm rõ nhận định một ngày trước đó của mình rằng Ukraine có thể nhượng lãnh thổ cho Nga để đổi lấy tư cách thành viên NATO và chấm dứt xung đột.
Trao đổi với một tờ báo Na Uy, ông Stian Jenssen cho biết ông lẽ ra không nên nói về việc này một cách đơn giản như vậy sau khi các bình luận của ông làm dấy lên phản ứng giận dữ từ phía Kiev.
Tại một sự kiện ở Na Uy ngày 15.8, ông Jenssen đã nói rằng trong khi bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào đạt được đều phải được Ukraine chấp nhận thì các thành viên trong liên minh đang thảo về về cách đưa cuộc xung đột kéo dài 18 tháng qua này đi đến hồi kết.
Ảnh minh họa: Reuters
"Tôi nghĩ một giải pháp có thể dành cho Ukraine là từ bỏ lãnh thổ và đổi lấy tư cách thành viên NATO", ông Jenssen nhận định, đồng thời cho biết các cuộc thảo luận về tình trạng hậu xung đột của Ukraine vẫn đang diễn ra trong giới ngoại giao.
Một ngày sau đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn với VG, ông Jenssen nhận định: "Tuyên bố của tôi liên quan đến việc này là một phần trong cuộc thảo luận lớn hơn về các kịch bản tương lai khả thi ở Ukraine và tôi lẽ ra không nên nói theo cách đó. Đây là một sai lầm".
Tuy nhiên, ông Jenssen không rút lại ý tưởng đề xuất Ukraine đổi đất lấy tư cách thành viên NATO. Theo ông, nếu các cuộc đàm phán hòa bình nghiêm túc diễn ra thì tình hình quân sự hiện nay, bao gồm cả việc ai kiểm soát lãnh thổ nào, "sẽ có ảnh hưởng quyết định".
"Chính xác thì vì lý do này, việc chúng ta hỗ trợ Ukraine những gì họ cần là vô cùng quan trọng", quan chức NATO cho hay, đồng thời nhấn mạnh, các thành viên trong liên minh luôn ở phía sau Kiev.
Ukraine nhiều lần kêu gọi khôi phục toàn bộ biên giới trước năm 2014 và đang tiến hành cuộc phản công trong nỗ lực giành lại các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát.
Ông Jenssen thận trọng với những bình luận trước đó của mình khi nhấn mạnh, ông chỉ đơn giản nêu ý tưởng và "việc quyết định khi nào hay những điều khoản nào sẽ được đàm phán là phụ thuộc vào Ukraine". Theo ông, điều đó phản ánh lập trường của NATO rằng không có thỏa thuận hòa bình nào với Ukraine được chấp nhận nếu không được Kiev nhất trí.
Theo Kiều Anh (VOV.VN)