Học võ Việt, nói tiếng Việt, yêu văn hóa Việt
Tôi gặp võ sư Huỳnh Chiêu Dương (72 tuổi) khi ông cùng đoàn của môn phái Thủy Pháp (Vương quốc Bỉ) về Bình Định tham gia Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VIII - 2023. Đang lo không biết làm sao giao tiếp với các võ sinh của ông (vì tôi không biết tiếng Bỉ) thì ông khoát tay bảo: Cô đừng lo, học trò của tôi không chỉ nói được tiếng Việt mà còn biết được văn hóa, lịch sử Việt Nam ở mức cơ bản…
Võ sư Huỳnh Chiêu Dương tham dự Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VIII - 2023 tại Bình Định.
Võ sư Huỳnh Chiêu Dương vốn là nhà báo. Ông đi khắp nơi và đến năm 2000 định cư tại Vương quốc Bỉ. Việc dạy võ của ông cũng thật tình cờ. Lần nọ, một trường học dạy về vật lý trị liệu tại Bỉ có chương trình tìm hiểu văn hóa các nước trên thế giới và mời ông nói về văn hóa Việt Nam. Trả lời câu hỏi về thể thao Việt Nam, ông chia sẻ, người Việt chuộng rất nhiều môn thể thao, ngày trước chưa có bóng đá, quần vợt... thì họ thường luyện võ. Trả lời thắc mắc về võ Việt và Thái cực quyền, võ sư Huỳnh Chiêu Dương cho biết, nếu hâm mộ những môn võ có tính chất nhu nhuyễn người Việt tập Thái cực quyền, nhưng họ cũng có môn võ của riêng mình. Sau đó, ông đã biểu diễn võ để mọi người thực chứng. Thích thú trước bài biểu diễn của ông, nhiều người xin bái sư và đề nghị ông mở lớp dạy.
Võ sư Huỳnh Chiêu Dương cho biết: Võ thuật luôn có hai nhánh lớn cương và nhu. Thủy Pháp là võ nhu cổ truyền Việt Nam, còn được gọi “võ vườn” hay “võ nước”, lớn lên trong nền văn hóa nông nghiệp của dân tộc Việt. Các động tác của Thủy Pháp được kết cấu từ tác phong sinh hoạt nghề nghiệp của ngư và nông dân (luôn sống bên cạnh nước), với các tấn, cước, thủ pháp phổ thông của võ cổ truyền. Những động tác ấy cũng mô tả hiện tượng thiên nhiên của nước như: Sóng cuồn cuộn, thủy triều, mưa rơi, sông chảy, thác đổ, hồ tĩnh... Bởi thế, tôi luôn nói với các võ sinh của mình là học võ Việt Nam mà không biết về văn hóa, lịch sử của Việt Nam thì khó thấm sâu được. Do vậy, tôi lồng ghép dạy thêm cho các em tiếng Việt và văn hóa Việt. Những em theo đuổi nhiều năm có thể giao tiếp thuần thục và tự mình tìm hiểu thêm về văn hóa, lịch sử đất nước đã sản sinh ra Thủy Pháp. Để bồi trúc thêm, tôi hay đưa các em về Việt Nam tham gia liên hoan võ cũng như thăm thú nhiều nơi.
“Từng ấy thời gian dạy võ, tôi vui nhất là các võ sinh, đặc biệt là các võ sinh ngoại quốc học tập, luyện tập rất nghiêm túc. Có cả võ sinh người Bỉ cưới vợ Việt và “ép” vợ học võ cổ truyền Việt Nam!”, võ sư Huỳnh Chiêu Dương chia sẻ.
T. YÊN