Ngành gỗ mỹ nghệ hướng đến thị trường tiềm năng ASEAN
Các nước ASEAN với những nét tương đồng về văn hóa là khu vực có nhiều dư địa cho xuất khẩu gỗ của Việt Nam, giá trị có thể lên đến hơn 3 tỷ USD.
Hội chợ quốc tế đồ gỗ, mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam ASEAN (VIFA ASEAN) lần đầu tiên sẽ được tổ chức từ ngày 29.8 - 1.9 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (Quận 7). Hội chợ đồ gỗ do Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM, Công ty CP Thủ công mỹ nghệ gỗ Liên Minh và Hiệp hội Dừa Việt Nam phối hợp thực hiện.
Theo Ban tổ chức, hiện nay Đông Nam Á đã trở thành khu vực kinh tế quan trọng và năng động của thế giới và cũng là một trong những trung tâm sản xuất, cung cấp đồ gỗ nội, ngoại thất và hàng thủ công mỹ nghệ hàng đầu trên thế giới. Trong đó, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu sản phẩm gỗ đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ hai của châu Á. Việc tổ chức Hội chợ VIFA ASEAN 2023 nhằm góp phần xây dựng TPHCM trở thành một trong những trung tâm xúc tiến thương mại đồ gỗ, nội ngoại thất của khu vực ASEAN.
Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI chi nhánh TPHCM (ngồi giữa) cung cấp thông tin thị trường và triển vọng xuất khẩu ngành gỗ những tháng cuối năm. Ảnh: Ngọc Xuân
Trong lần đầu tiên tổ chức, VIFA ASEAN 2023 thu hút gần 200 DN tham gia với quy mô 600 gian hàng và hơn 2.000 khách quốc tế đăng ký tham quan. Trong đó có nhiều nhà sản xuất, chế biến gỗ và mỹ nghệ uy tín trong nước đến từ TPHCM, Hà Nội, Thanh Hoá, Nam Định, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Phước, Tiền Giang, Bến Tre… và các quốc gia, vùng lãnh thổ như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hà Lan, Hong Kong, Malaysia, Thái Lan, Campuchia…
Điểm nổi bật của hội chợ lần này là “Ngôi nhà ASEAN”, được bố trí tại khu vực trung tâm của Hội chợ, nhằm giới thiệu các sản phẩm tinh hoa và các nét văn hóa đặc sắc của các nước ASEAN, góp phần tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của khu vực, giới thiệu nét đặc trưng sản phẩm tới khách mua hàng quốc tế.
Tại đây sẽ có nhiều hội thảo chuyên ngành chia sẻ những thông tin, xu hướng mới nhất của ngành gỗ và mỹ nghệ; giải pháp tăng doanh thu xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt; tác động của Net Zero và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra còn có tour tham quan trực tiếp các nhà máy sản xuất nội - ngoại thất và thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại Bình Dương trong 2 ngày 29 – 30.8.
Ông Trần Hoài Hữu, Giám đốc Công ty Gia Nhiên, chuyên xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ - một DN tham gia Hội chợ lần này chia sẻ, từ tháng 8 này khách hàng bắt đầu có chiều hướng quay trở lại, sau thời gian giảm sâu và đang liên lạc khá nhiều, có những hợp đồng đang deal và có khả năng trở thành đơn hàng.
“DN có chiến lược quảng bá nhiều hơn để tìm nguồn khách hàng mới. Trước đây thị trường châu Á chưa có nhiều nhưng DN đang đẩy mạnh quảng bá, vì bây giờ đây là một thị trường rất tiềm năng”, ông Hữu cho biết.
Một gian hàng tại VIFA EXPO tháng 3.2023
Tại buổi tọa đàm báo chí về VIFA ASEAN 2023 diễn ra chiều 17.8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TPHCM cho biết, trong 7 tháng năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỉ USD, giảm 26,4% so với cùng kỳ. Các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc chiếm 89% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đều giảm. Tuy nhiên, những tháng gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành gỗ dần được cải thiện.
Để đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm, theo Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TPHCM, các DN phải có sản phẩm mới để kích thích sức mua và đẩy mạnh quảng bá giới thiệu sản phẩm ở các thị trường mới. Trong số các thị trường tiềm năng, các nước ASEAN với những nét tương đồng về văn hóa là khu vực có nhiều dư địa, giá trị có thể lên đến hơn 3 tỷ USD. Do đó, VIFA ASEAN 2023 với sự tham gia của nhiều DN trong và ngoài nước, cùng sự đa dạng của các gian hàng được kỳ vọng mang lại hiệu quả, ký kết được nhiều đơn hàng cho DN sản xuất đồ gỗ và mỹ nghệ trong tình hình khó khăn hiện nay.
Theo Ngọc Xuân (VOV)