Nâng chất cho cầu thủ phong trào
Xuất phát từ ý tưởng chung về việc đưa thêm những kiến thức, cách chơi futsal (loại hình bóng đá thi đấu trong nhà) đến với các cầu thủ nghiệp dư, một số người từng có nhiều năm gắn bó với bóng đá phong trào ở TP Quy Nhơn đang tìm cách nâng cao trình độ của cầu thủ, các đội bóng “phủi” ở Bình Định.
Trăn trở với bóng đá phong trào
Người khởi xướng cho việc phổ biến một số chiến thuật cơ bản trong cách chơi môn futsal cho các cầu thủ nghiệp dư ở Quy Nhơn là anh Tô Phước Sanh. Từng tổ chức nhiều giải đấu quy mô, thu hút nhiều đội bóng phong trào tham gia, nhưng anh Sanh “Mourinho” (theo cách gọi quen thuộc) cảm thấy chưa hài lòng về sự phát triển trong lối chơi của nhiều đội. Nói cách khác, dù hệ thống sân cỏ nhân tạo đã phát triển mạnh từ nhiều năm nay ở Quy Nhơn và các địa phương khác, nhưng hầu hết cầu thủ đều chơi theo kiểu tự phát nên hiệu quả chưa cao như những đội ở các tỉnh, thành khác.
“Tôi cảm thấy buồn và cảm thấy có gì đó nghịch lý khi nhiều giải đấu lớn tổ chức ở tỉnh mình nhưng cúp lại thường thuộc về đội sử dụng nhiều cầu thủ của tỉnh khác. Điển hình là Giải bóng đá mini - tranh cúp Larue hàng năm, những đội bóng có cầu thủ từ TP Hồ Chí Minh hay Gia Lai thường tỏ ra mạnh hơn hẳn so với các đội ở Bình Định. Tôi muốn điều này phải nhanh chóng thay đổi trong thời gian đến” - anh Sanh tâm sự.
Để mong muốn trở thành hiện thực, anh Sanh bàn bạc với ông Nguyễn Lương Trường (người từng có hàng chục năm gắn bó với bóng đá phong trào), cựu tuyển thủ futsal Việt Nam Cai Văn Hòa và Đào Duy Vương (cầu thủ từng thi đấu cho đội Tân Hiệp Hưng ở Giải vô địch futsal TP Hồ Chí Minh) mở lớp hướng dẫn cho các cầu thủ nghiệp dư ở Quy Nhơn. Tuy nhiên, để hình thành được “lớp bóng đá futsal” này không phải là điều dễ dàng, vì ý tưởng trên gặp phải sự hoài nghi từ không ít “ông bầu” bóng đá phong trào.
Ông Nguyễn Lương Trường cho biết: “Nhiều đội bóng sợ rằng chúng tôi có âm mưu thu nhận những cầu thủ giỏi về huấn luyện rồi lập thành đội bóng riêng, câu kéo cầu thủ của họ. Nhưng thực tế thì giữa chúng tôi và các cầu thủ không hề có sự ràng buộc nào. Họ có thể tham gia vào lớp huấn luyện này rồi trở về chơi cho CLB cũ. Chúng tôi không hề có ý định thành lập đội”.
Bước khởi động âm thầm
Ông Cai Văn Hòa cho biết: “Trình độ kỹ thuật của nhiều cầu thủ Bình Định không thua kém các cầu thủ ở nơi khác, nhưng vì chưa nắm được cách chơi futsat nên chưa đạt được hiệu quả cao trong thi đấu. Bên cạnh đó, khi tập luyện bình thường, nhiều đội đá với đội hình 6 người (kể cả thủ môn), do đó, khi thi đấu giải thường lúng túng trong cách di chuyển, bởi chơi với 5 người và 6 người có sự khác biệt rất lớn”.
Dựa vào những trải nghiệm của bản thân sau khi chơi cho những đội bóng futsal chuyên nghiệp, nhóm hướng dẫn viên từng bước truyền cho các cầu thủ những khái niệm ban đầu về chiến thuật trong futsal. Theo ông Cai Văn Hòa, trước tiên, những “học viên” của lớp này sẽ được tìm hiểu về cách chơi “phòng ngự phản công” và một số tình huống 4 đánh 3 rồi 3 đánh 2… Quan trọng nhất là cách thức di chuyển của cầu thủ trong những tình huống cụ thể, vì futsal thi đấu rất chặt chẽ, đòi hỏi mọi cầu thủ phải luôn tuân thủ chiến thuật, phối hợp nhuần nhuyễn mới có thể tấn công hiệu quả và ít để sai sót trong phòng ngự.
Với lịch tập mỗi tuần 3 buổi trên sân bóng đá Nhà Văn hóa Lao Động tỉnh, các học viên phải đóng góp kinh phí để Ban huấn luyện trang trải kinh phí như: tiền thuê sân, dụng cụ thi đấu… Hiện nay lớp futsal này đã thu hút được khoảng 15 thành viên đăng ký. Với nhiều cầu thủ phong trào, việc bỏ khoản tiền 400 ngàn đồng/tháng để học chiến thuật futsal là điều phải suy nghĩ. Nhưng đứng ở góc độ của những “ông bầu”, chi phí này không cao, bởi có những giải họ từng chi hàng chục triệu đồng để đưa cầu thủ tỉnh khác về thi đấu. Tuy nhiên, có lẽ họ cũng cần có thêm thời gian để biết được hiệu quả của “khóa đào tạo” này đến đâu rồi mới quyết định “đầu tư”.
Vẫn còn khá sớm để đánh giá được hiệu quả của lớp bóng đá futsal đầu tiên ở Quy Nhơn, nhưng ít ra nó cũng cho thấy sự phát triển về ý thức, khả năng chơi bóng ở nhiều cầu thủ chứ không chỉ dừng ở cấp độ “vui, khỏe là chính”. Đó cũng là điều đáng mừng cho bóng đá phong trào, khi có sự tìm tòi để nâng cao chất lượng chuyên môn ở các đội bóng.
Anh Tô Phước Sanh: “Sắp tới, khi Nhà thi đấu Đại học Quy Nhơn đưa vào sử dụng, chúng tôi sẽ liên hệ để các học viên tiếp cận với mặt sân trong nhà đúng chuẩn. Tôi mong rằng trong tương lai không xa Bình Định cũng có những đội bóng mạnh, đủ sức tham gia giải futsal toàn quốc như những người láng giềng Khánh Hòa, Đà Nẵng đã từng làm”.
LÊ CƯỜNG
Cho tôi hỏi, đội bóng còn tuyển người không? Làm cách nào để đăng kí vào tham gia đội bóng được?