Nguy cơ thiếu điện năm 2024, tiết kiệm điện cần "hành động ngay"
Bộ Công Thương kêu gọi mỗi cá nhân, tổ chức cần đẩy mạnh, hành động ngay, liên tục và thiết thực các giải pháp về thực hành tiết kiệm điện trong thời gian tới
Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống 7 tháng đầu năm 2023 đạt 160,58 tỉ kWh, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong các tháng cao điểm nắng nóng, phụ tải điện tăng cao khi có thời điểm lên tới hơn 900 triệu kWh, công suất cực đại đạt hơn 43.000 MW vào ngày 19.5.
Thông tin trên được ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết tại hội nghị tiết kiệm điện mùa nắng nóng, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 18.8.
Cả nước tiết kiệm được hơn 220 triệu kWh điện/tháng
Trong khi đó, hiện tượng El Nino khiến mực nước thủy điện về rất thấp, nhà máy nhiệt điện than có mức độ khả dụng không cao, thiếu nhiên liệu. Hệ thống điện miền Bắc đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung và phải thực hiện tiết giảm phụ tải các địa phương khu vực miền Bắc để đảm bảo an toàn hệ thống điện.
Hệ thống điện miền Nam cũng xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh tại một số giờ cao điểm, hệ thống phải huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu để đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh.
Về tình hình cung ứng điện năm 2024, 2025, đại diện EVN cho biết phụ tải tiếp tục tăng cao, dự báo bình quân 9%/năm, tương ứng công suất tăng 4.000 – 4.500MW/năm. Trong khi đó, nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành: 1.950MW (2024) và 3.770MW (2025), tập trung chủ yến tại khu vực miền Trung và miền Nam.
Công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp; nhu cầu điện cho miền Bắc tăng trưởng 10%/năm; thiếu công suất đỉnh ở một số thời điểm nắng nóng tháng 6, 7-2024 (thiếu 420 MW – 1.770MW).
Theo ông Trần Viết Nguyên, trong bối cảnh thiếu nguồn cung thì vai trò của khách hàng sử dụng điện là hết sức quan trọng trong sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm. Với sự chung tay tích cực của khách hàng sử dụng điện, từ 17-5-2023 đến 16-6-2023, cả nước đã tiết kiệm được hơn 226 triệu kWh (chỉ tính riêng cho các nhóm khách hàng: hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời và cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm).
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) cũng nhấn mạnh ngành điện đã chứng kiến những khó khăn và nỗ lực khi đối mặt với thực trạng thiếu điện nghiêm trọng của miền Bắc trong những thời điểm nắng nóng vừa qua. Tuy nhiên, không loại trừ các tình huống cực đoan xếp chồng như vậy có thể lặp lại trong những năm tiếp theo.
Vì vậy, để chuẩn bị cho các diễn biến bất thường có thể xảy ra tại các thời điểm nắng nóng trong các năm tiếp theo, Bộ Công Thương kêu gọi mỗi cá nhân, tổ chức và thành viên Mạng lưới Tiết kiệm điện Việt Nam (VESN) cần đẩy mạnh, hành động ngay, liên tục và thiết thực các giải pháp về thực hành tiết kiệm điện trong thời gian tới.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết TP đã xây dựng, ban hành và triển khai kế hoạch tiết kiệm điện; thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra thường xuyên để đảm bảo đạt mục tiêu đặt ra hàng năm.
Ông Thắng bày tỏ mong muốn sự hỗ trợ của Mạng lưới VESN để phối hợp, thúc đẩy thực chất hơn công tác đào tạo, tuyên truyền thực hành tiết kiệm điện nhằm bám sát các mục tiêu tiết kiệm điện hằng năm và giai đoạn của TP Hà Nội.
(Theo Minh Chiến/NLĐ)