Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018
(BĐ) - Đây là một trong những vấn đề được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra cho toàn ngành GD&ĐT, tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, chiều 18.8. Hội nghị được Bộ GD&ĐT tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Bình Định có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh .
Báo cáo của Bộ GD&ĐT cho hay, năm học 2022 - 2023 có nhiều khó khăn và thách thức đối với ngành GD&ĐT khi vừa cùng cả nước tiếp tục khắc phục, nỗ lực vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động GD&ĐT. Đây là năm học đầu tiên ngành giáo dục triển khai tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 đối với lớp 3 và triển khai chương trình GDPT ở bậc THPT. Đồng thời, cũng là năm đánh dấu 10 năm toàn ngành triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Bên cạnh kết quả tích cực, năm học vừa qua còn những khó khăn, hạn chế. Đáng chú ý là bất cập trong triển khai chương trình GDPT 2018; thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, quá tải tại các trường học ở thành phố lớn, khu vực đông dân cư…
Bộ GD&ĐT cho biết, năm học 2023 - 2024, ngành GD&ĐT tập trung 12 nhiệm vụ trọng tâm.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận GD&ĐT tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển tích cực. Tuy vậy, nhìn thẳng vấn đề, công tác hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới GD&ĐT triển khai còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế của giáo dục trong nước và xu hướng hội nhập quốc tế, nhất là đối với tự chủ đại học.
Việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT còn một số bất cập; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp, thiếu trường, thiếu lớp ở khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu, còn phòng học nhờ, phòng học tạm; thiếu phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu; vấn đề nhà vệ sinh trong các trường học còn bất cập. Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, chưa đảm bảo đủ định mức giáo viên theo quy định, đặc biệt giáo viên mầm non và giáo viên thực hiện chương trình GDPT 2018…
Sau khi phân tích nguyên nhân, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện đổi mới GD&ĐT. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó ưu tiên xây dựng Luật Nhà giáo; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT 2018.
Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên; nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm hiệu quả, phù hợp yêu cầu tình hình thực tiễn…
“Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển chương trình GDPT 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành việc biên soạn sách giáo khoa điện tử, sách giáo tiếng dân tộc thiểu số, thử nghiệm và sử dụng sách chữ nổi cho người khiếm thị”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
MAI HOÀNG