Cho đi là nhận lại
Với phương châm “còn sức là còn thiện nguyện giúp người”, nhiều bạn trẻ khác nhau về hoàn cảnh nhưng có điểm chung là nhiệt tình tham gia hoạt động an sinh xã hội. Ngoài quan tâm tới những hoàn cảnh khó khăn, đây còn là dịp người trẻ kết nối, mở rộng quan hệ, có thêm nhiều bài học thực tế hữu ích.
Xông xáo
Cẩn thận chuẩn bị quà từ đêm hôm trước và sắp xếp xe cộ để vận chuyển quà lên xã An Quang (huyện An Lão), anh Nguyễn Văn Lưu (SN 1994, ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) tâm sự, 5 năm qua, mỗi chuyến đi thiện nguyện với anh là một kỷ niệm đẹp. Anh Lưu khuyết tật một chân do TNGT, sức khỏe vì thế cũng kém hơn người khác nhưng chưa khi nào anh đắn đo về điều này.
“Lưng đau, chân cũng yếu nên khi tôi đứng hoặc ngồi lâu, cơn đau sẽ lan ra khắp người, cộng với việc say xe khi di chuyển đường xa khiến tôi ít nhiều mệt mỏi. Nhưng khi nhìn thấy nụ cười của người dân lúc nhận quà, mọi vất vả như tan biến. Ngay lúc ấy, tôi hạnh phúc vì thấy công sức mình bỏ ra được đền đáp xứng đáng”.
Anh Lưu dù mệt nhưng vẫn xông xáo mang từng phần quà trao cho người dân. Ảnh: NVCC
Thiện nguyện còn là cách mà những người con xa quê tri ân quê hương. Chị Bùi Thị Mỹ Dân (SN 1990, quê ở Nhơn Hậu, TX An Nhơn) từ khi lấy chồng đã chuyển vào sinh sống tại tỉnh Bình Dương, tuy nhiên 1 - 2 tháng/lần, chị lại về Bình Định, rong ruổi mọi nẻo đường để tặng quà cho người khó, người khổ.
Đến với những mảnh đời nghèo khó, dù ở đồng bằng đến miền núi, chị Dân đều bỏ tiền túi, tự tay chuẩn bị từng phần quà. Chị tâm sự, thiện nguyện giúp chị hiểu hơn về cuộc sống, biết thêm nhiều câu chuyện về những mảnh đời nghị lực, tạo thêm động lực để chị tiếp tục hành trình giúp đỡ người dân.
Ngoài tặng quà, chị Dân còn vận động chi phí hỗ trợ cho bệnh nhân hay trường hợp ngặt nghèo. Gần đây, chị đã kêu gọi hơn 209 triệu đồng giúp em Nguyễn Thành Hân (SN 2003, ở xã An Hòa, huyện An Lão) bị TNGT ở TP Hồ Chí Minh có điều kiện chữa trị; vận động hơn 134 triệu đồng hỗ trợ người thân của vợ chồng anh Đoàn Văn Núi (ở thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh) lo tang sự và chăm lo cho bầy con thơ bỗng chốc mồ côi cha mẹ sau đêm sét đánh.
Chị Dân (phải) hạnh phúc khi tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã Tây Vinh (huyện Tây Sơn). Ảnh: NVCC
Chị tâm sự: “Chỉ cần là đồng hương, tôi nhất định hỗ trợ hết mình. Tôi còn ấp ủ dự định trong dịp Trung thu tới sẽ tổ chức chương trình “Đưa trăng về Nẫu” ở xã An Toàn (huyện An Lão), tặng đèn năng lượng mặt trời, tủ thuốc công cộng, quà cho trẻ em nơi này. Mong muốn của tôi là chia sẻ chút ít cho người dân quê mình…”.
Thêm bạn bè, nhiều trải nghiệm
Thiện nguyện còn là cơ hội để người trẻ gặp gỡ, làm quen và có thêm nhiều người bạn mới, từ đó gia tăng trải nghiệm cho bản thân.
Suốt quá trình hoàn thiện các công trình “Sân chơi cho em” từ tháng 2.2022 đến nay, mỗi thành viên CLB 25 (thuộc Hội CTĐ tỉnh) đã có thêm cho mình nhiều kỷ niệm đẹp. Những người trẻ có điểm chung là yêu mến trẻ em, không ngại nắng gió cùng góp sức, sơn từng chiếc bánh xe cũ, tân trang chiếc bập bênh và kêu gọi bạn bè, người thân cùng quyên góp vào quỹ chung của chương trình, giúp trẻ tại các điểm trường có thêm hộp sữa, quyển vở mới.
Anh Lê Ngọc Thường, Chủ nhiệm CLB 25, cho biết: “Nhờ sự đoàn kết, sẵn sàng tham gia khi có hoạt động của các thành viên CLB, 4 công trình “Sân chơi cho em” đã được trao tặng. Hiện tại, khoảng 20 bạn trẻ của CLB và tình nguyện viên địa phương đang góp sức, đẩy nhanh tiến độ để sân chơi ở điểm trường Cảnh An của Trường Tiểu học xã Cát Tài (huyện Phù Cát) sớm hoàn thành”.
Tương tự, anh Lưu nhờ những lần “gieo duyên” đã có thêm tri kỷ đồng hành trên chặng đường thiện nguyện. Tiêu biểu là anh Nguyễn Quốc Tỉnh (SN 1998, ở thị trấn An Lão, huyện An Lão), người từng được anh Lưu giúp đỡ 4 năm trước, khi Tỉnh không may gặp TNGT, khuyết mất một tay và một chân. Hai người trò chuyện nhiều hơn và trở thành bạn thân. Nhờ sự kết nối thực tâm ấy, anh Lưu quen thêm nhiều người bạn có cùng khao khát giúp người. Thế là cả nhóm rủ nhau cùng đi thiện nguyện, mỗi người phát tâm, đóng góp một ít, không của thì công.
Ngoài thêm bạn, thiện nguyện còn giúp người trẻ có những bài học bổ ích. Bên cạnh niềm vui khi được người dân nơi mình giúp đỡ để lại những bình luận ấm lòng trên mạng xã hội, chị Dân còn rút ra cách làm thiện nguyện hiệu quả hơn là phối hợp với địa phương, cơ quan chức năng để hỗ trợ đúng, hiệu quả.
“Trước hết, đó là những người có cách làm việc và chí hướng tương tự tôi, hỗ trợ nhiệt tình thông tin từng trường hợp để tôi có hình thức giúp đỡ phù hợp. Cùng họ thực hiện nhiều hành trình thiện nguyện, tôi rút ra nhiều bài học bổ ích, giúp từng phần quà được đến tận tay người cần”, chị Dân chia sẻ.
DƯƠNG LINH