Thơm nồng hương vị sả rừng An Lão
Trái sả rừng là loại gia vị mà núi rừng ban tặng cho đồng bào miền núi An Lão. Thứ gia vị thơm lừng như chắt chiu hương vị núi rừng này đã làm cho nhiều món ăn ở vùng cao trở nên đặc biệt hơn.
Năm nào cũng vậy, thời điểm từ tháng 6 đến tháng 9 dương lịch, ở những bìa rừng thấp, sả rừng kết trái rộ trên cây. Đây là lúc bà con rủ nhau đi hái trái sả về chế biến các món ẩm thực mang đậm bản sắc vùng cao.
Sả rừng tươi được phơi khô, đóng gói bán cho người tiêu dùng. Ảnh: D.T.D
Theo chị Đinh Thị Linh, thôn 5, xã An Trung, sả rừng theo tiếng H’re gọi là Pli Đu, loại trái này khá phổ biến ở vùng cao An Lão. Trái nhỏ như hạt tiêu, cây mảnh dẻ cành chằng chịt, đan vào nhau. Vì nhiều cây lớn, khá cao, để hái được trái sả rừng, thường phải chặt từng cành của cây rơi xuống đất và hái từng trái để bỏ vào rổ, hoặc tuốt.
Nếu hái sả rừng để dùng trong bữa ăn thì chỉ chừng nửa cân là đủ dùng trong tuần. Nếu hái nhiều mà bảo quản không tốt sẽ bị hỏng. Muốn giữ được lâu thì phải hơi khô dùng dần, chị Linh chia sẻ.
Sả rừng hiện diện trong rất nhiều món ẩm thực thơm ngon của đồng bào nơi đây. Người nấu ăn để nguyên trái hoặc giã dập, nhuyễn tùy theo khẩu vị mong muốn. Sả rừng kho cá, kho thịt, ướp đồ nướng, làm muối chấm và còn nhiều món ăn khác. Đặc biệt, vào mùa này, nếu về An Lão thưởng thức các món thịt trâu gác bếp, heo đen, cá sông ốc đá chắc chắn nhà bếp sẽ gia thêm loại trái này khi ướp. Và khách phương xa sẽ có trải nghiệm về một thứ hương vị vừa quen vừa lạ, vừa giống sả lại vừa không phải là sả.
Sả rừng có công dụng như cây sả thông thường, theo kinh nghiệm của đồng bào H’re sả rừng có tính nhiệt, ấm bụng và giải cảm. Từ một thứ gia vị dân dã của đồng bào vùng cao, nay sả rừng đã trở thành đặc sản được nhiều người ở miền xuôi biết đến tìm mua để dành chế biến món ăn, hay làm quà biếu cho bạn bè, người thân. Nắm bắt thị hiếu này, hiện nay, nhiều hàng quán ở huyện vùng cao An Lão đã thu mua sả rừng tươi của người dân địa phương mang về phơi khô và đóng gói bán cho người tiêu dùng.
Hiện, sả rừng khô có giá bán dao động từ 250 nghìn - 300 nghìn đồng/kg. Nhờ thị trường tiêu thụ mở rộng nên vào mùa sả rừng đồng bào tranh thủ thời gian rảnh lên rừng tìm hái sả rừng về bán, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.
DIỆP THỊ DIỆU