Du lịch Tuy Phước chuyển mình
Trong 6 tháng đầu năm, Tuy Phước đón 27.724 lượt khách tham quan, cao hơn cả năm 2022 (18.000 lượt); doanh thu du lịch ước tính đạt 18 tỷ đồng. Huyện đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Tháp Bánh Ít đang được định hướng xã hội hóa trong quản lý, khai thác, tạo không gian sinh động hơn cho du khách. Ảnh: LÊ NA
Coi du lịch là một trong những trụ cột phát triển của huyện, UBND huyện Tuy Phước đã ban hành Kế hoạch Bảo tồn và Phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025, tăng cường công tác đầu tư xây dựng, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn góp phần chỉnh trang và tăng nét mỹ quan của đô thị.
Hiện nay, huyện đang thực hiện đầu tư tôn tạo, sửa chữa các công trình như: Di tích vụ thảm sát Nho Lâm, đình làng Vinh Thạnh, mộ Nguyễn Diêu, đình Ngọc Thạnh, mộ Lê Đại Cang, Nhà lưu niệm Chi bộ Đề Pô Diêu Trì, nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu; lập quy hoạch tổng thể mở rộng khuôn viên và xây dựng một số hạng mục di tích lịch sử Chùa Bà - Nước Mặn. Năm 2022, Bộ VH-TT&DL công nhận Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, tổng số di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện đã được xếp hạng là 17 di tích (4 cấp quốc gia và 13 cấp tỉnh).
Tiểu chủng viện Làng Sông là điểm du lịch độc đáo và ý nghĩa, đang được huyện Tuy Phước tính toán xây dựng tour du lịch Tiểu chủng viện Làng Sông - Chùa Long Phước - Chùa Bà - Nước Mặn. Ảnh: LÊ NA
Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng và phát triển mô hình thí điểm du lịch homestay tại khu sinh thái Cồn Chim (xã Phước Sơn), với quy mô 5 homestay, phục vụ du khách tham gia trải nghiệm ngắm chim, chèo sup, đi thuyền máy xuyên qua các cánh rừng đước, đánh bắt thủy sản tại Cồn Chim... Lao động trực tiếp phục vụ du lịch trên địa bàn huyện Tuy Phước hiện nay khoảng 700 người, trong đó, 361 lao động phục vụ du lịch (nghiệp vụ nhà hàng, kỹ thuật chế biến món ăn) được đào tạo trình độ sơ cấp nghề.
Ông Huỳnh Thanh Trang, Trưởng Phòng VH-TT huyện Tuy Phước cho biết: “Huyện đang triển khai các biện pháp bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là di sản văn hóa cấp quốc gia. Chú trọng bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện, nghi lễ tín ngưỡng dân gian, sinh hoạt văn hóa truyền thống địa phương, các loại hình nghệ thuật dân gian... để phục vụ du lịch. Đầu năm 2023, huyện đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến du lịch Bình Định và Hiệp hội Du lịch Bình Định khảo sát, xây dựng tour du lịch Tiểu chủng viện Làng Sông - Chùa Long Phước - Chùa Bà - Nước Mặn”.
Bên cạnh các di tích, danh thắng, cảnh quan tự nhiên, một trong những điểm được kỳ vọng sẽ thu hút du khách khi được đầu tư bài bản là làng nghề trồng hoa Bình Lâm. Huyện đang lên kế hoạch phối hợp với Sở
Du lịch và các sở, ngành của tỉnh tổ chức phiên chợ hoa; tham gia quảng bá thương hiệu hoa Bình Lâm tại các hội chợ, triển lãm, festival hoa. Cùng với đó, xin chủ trương kêu gọi đầu tư phát triển du lịch làng nghề trồng hoa Bình Lâm theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Cho rằng du lịch địa phương có phát triển so với những năm trước nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hùng Tân chia sẻ: “Huyện đang dự kiến tổ chức phối hợp đăng cai một số sự kiện văn hóa, thể thao quy mô cấp tỉnh, qua đó quảng bá thương hiệu du lịch Tuy Phước - Bình Định đến với du khách. Bên cạnh đó, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh lập hồ sơ đề nghị công nhận Hội xuân Chợ Gò là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đẩy nhanh trùng tu các di tích, xây dựng các hạ tầng dịch vụ để đưa vào khai thác tour du lịch của huyện là “Nước Mặn - Làng Sông””.
LÊ NA