WHO thông qua thuốc thử nghiệm điều trị Ebola
Ngày 12.8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua việc sử dụng thuốc thử nghiệm điều trị Ebola, trong bối cảnh số ca tử vong vì bệnh này vượt qua con số 1.000 và 1 linh mục Tây Ban Nha trở thành người châu Âu đầu tiên chết vì Ebola.
Một bà mẹ cùng con nhỏ đi ngang qua một tấm ápphích tuyên truyền phòng chống vi-rút Rebola trại sân bay quốc tế Sierra Leone ở Freetown ngày 12.8. Ảnh AFP
Động thái trên của WHO diễn ra sau khi tập đoàn dược phẩm Mỹ Mapp vốn sản xuất huyết thanh thử nghiệm ZMapp điều trị Ebola tuyên bố đã gửi tất cả số thuốc thử nghiệm của hãng này cho tâm dịch Tây Phi.
Sau một cuộc họp tại Geneva (Thuỵ Sĩ) của các chuyên gia y tế về nạn dịch Ebola, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO Marie-Paule Kieny nói với báo giới: "Trong trường hợp đặc biệt như đợt dịch Ebola lần này, việc cung cấp thuốc điều trị chưa qua đăng ký để điều trị hay phòng ngừa dịch bệnh là đúng với đạo đức".
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã công bố kế hoạch tăng cường các biện pháp ứng phó với dịch bệnh trên toàn cầu; đồng thời, thúc giục chính phủ các nước "tránh gây tâm lý hoảng loạn và sợ hãi" đối với căn bệnh có thể dễ dàng phòng ngừa này.
Theo WHO, tính từ đầu năm đến nay, dịch sốt xuất huyết do vi rút Ebola gây ra đã cướp đi sinh mạng của 1.013 người, đa số ở 3 nước Tây Phi là Guinea, Liberia và Sierra Leone. Nigeria cũng có 2 trường hợp tử vong.
Ngày 12.8, linh mục người Tây Ban Nha Miguel Pajares - người bị nhiễm Ebola trong khi đang giúp đỡ các bệnh nhân ở Liberia - chết tại một bệnh viện ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha. Vị linh mục này đã được điều trị bằng huyết thanh ZMapp. Mặc dù loại thuốc thử nghiệm này không có tác dụng đối với nạn nhân Pajares nhưng chứng tỏ hiệu quả tích cực đối với 2 bác sĩ tình nguyện người Mỹ cũng bị nhiễm Ebola tại Liberia.
Hiện chưa có thuốc đặc trị hay vắc-xin ngừa Ebola và việc sử dụng các loại thuốc thử nghiệm, trong đó có ZMapp đã làm dấy lên những tranh cãi gay gắt về y đức.
Cho đến nay, ZMapp mới chỉ được thử nghiệm trên khỉ. Hãng dược Mapp hiện phát triển huyết thanh thử nghiệm này với số lượng rất ít. Tập đoàn của Mỹ cho biết đã gửi tất cả số thuốc thử nghiệm sẵn có của mình cho Tây Phi. Tuy nhiên, Mapp không công bố cụ thể nước nào tại lục địa đen nhận được thuốc ZMapp cũng như số lượng thuốc là bao nhiêu.
Ông Kieny tiết lộ, WHO đã nhận được thông báo rằng 3 liều ZMapp được gửi cho Liberia. Người phát ngôn Bộ Y tế Liberia Sidi Yahya Tunis xác nhận, trước đó, chính phủ nước này đã đề nghị Mỹ cung cấp huyết thanh thử nghiệm cho mình.
Ông Kieny nhấn mạnh, mặc dù lượng ZMapp hiện nay rất khan hiếm nhưng vẫn còn "nhiều phương pháp điều trị và vắc-xin phòng ngừa khác có khả năng phòng chống Ebola…được nghiêm túc cân nhắc thay thế cho ZMapp".
Trong lúc này, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã bổ nhiệm bác sĩ người Anh David Nabarro làm điều phối viên LHQ về dịch sốt Ebola. "Trong những ngày tới, hệ thống y tế của LHQ sẽ củng cố cách thức đối phó với dịch bệnh" - ông Ban cho biết.
Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh đến giải pháp khẩn cấp hiện nay là làm sao đáp ứng đủ trang thiết bị y tế, tăng cường số lượng nhân viên y tế cho các nước có dịch.
Nhiều nước trên thế giới đã áp đặt các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp, trong đó có cấm bay và tăng cường kiểm tra sức khoẻ hành khách tại cửa khẩu, thậm chí đóng cửa biên giới với các nước có dịch.
Nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt đến mức khiến giao thông rối loạn, giá cả hàng hoá tăng cao, gây ra tình trạng thiếu hụt lương thực, người dân lo sợ chết đói.
Tổng thống Sierra Leone Ernest Bai Koroma bày tỏ thái độ "vô cùng thất vọng" trước phản ứng chậm chạp của cộng đồng quốc tế trước nạn dịch Ebola.
Guinea-Bissau là quốc gia châu Phi mới nhất đóng cửa biên giới với nước láng giềng Guinea đang có dịch bệnh hoành hành. Ngoài ra, Guinea-Bissau cũng cấm tụ họp đông người tại đám cưới hay đám tang.
Tố Uyên (Theo AFP)