Thảm họa cháy rừng ở Hawaii - Không chỉ do biến đổi khí hậu
Tính đến đầu tuần này, đám cháy rừng trên đảo Maui ở Hawaii đã khiến hơn 100 người thiệt mạng và con số có thể còn tăng thêm. Hiện nguyên nhân gây ra thảm họa thiên nhiên được xem là nghiêm trọng nhất trong hơn một thế kỷ qua ở Mỹ vẫn chưa được xác định.
Khi xem xét sâu xa từ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến đám cháy rừng ở đảo Maui (Hawaii) bùng phát dữ dội, các nhà khoa học không chỉ ra yếu tố riêng lẻ nào. Nhiệt độ tăng cao khiến đám cháy lớn hơn, nhưng cũng không thể “đổ tội” hết cho tình trạng ấm lên toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng, Maui đang đối mặt với một thảm họa phức tạp, trong đó nhiều tác nhân cùng khiến cho đám cháy trở nên dữ dội. Khi mà tác động của con người đến môi trường và khí hậu ngày càng nhiều, thì nguy cơ xảy ra những thảm họa tương tự cũng gia tăng. Lũ lụt mới đây ở Trung Quốc, cháy rừng ở Hy Lạp hay sóng nhiệt gây chết người ở vùng Tây Nam nước Mỹ là những minh chứng khác cho thấy, thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu do con người gây ra và những thay đổi đối với môi trường bản địa có sức tàn phá như thế nào.
Đám cháy thiêu trụi khu vực rộng lớn ở ngoại ô TP Lahaina, Hawaii. Ảnh: Rick Bowmer/AP
Sự liên quan giữa biến đổi khí hậu do con người gây ra và các đám cháy rừng là rất rõ ràng. Hiện tượng ấm lên toàn cầu đồng nghĩa với việc cây cối dễ bị thiếu nước hơn, do không khí ấm đẩy nhanh quá trình bốc hơi nước. Đồng thời, khi mà không khí “hút” nhiều chất lỏng từ đất hơn, thì nguy cơ cháy sẽ gia tăng. Theo số liệu của bang, nhiệt độ trung bình của Hawaii hiện cao hơn 2 độ so với năm 1950. Các nhà khoa học cũng nhắc đến mối liên hệ giữa hoạt động tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, vốn thải ra khí nhà kính làm trái đất ấm lên, với tình trạng cháy rừng ở Hawaii và những nơi khác. Nhiệt độ tăng cao cũng khiến mùa hè ở khu vực Tây Nam nóng hơn và từ đó đẩy không khí khô, nóng đến Hawaii. Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng góp phần tạo ra những trận bão như cơn bão Dora vừa qua. Sức gió 128 km/giờ từ cơn bão này là một trong những nguyên nhân khiến các đám cháy rừng lan rộng trên đảo Maui.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc đến vai trò của con người khi để thảm họa này xảy ra. Đám cháy ngày càng bùng phát trên phạm vi rộng do lửa cháy lan sang các vạt cỏ xâm lấn và dễ bắt lửa, vốn được người dân trồng với mục đích trang trí hay để cho gia súc ăn. Clay Trauernicht, nhà nghiên cứu về hỏa hoạn tại Trường ĐH Hawaii, cho biết trong những năm qua, ông và các cộng sự đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc kiểm soát các vạt cỏ, đồng thời hy vọng rằng thảm họa này là đủ để buộc con người hành động. Ông nói: Những gì chúng ta đang làm hiện nay đang khiến con người trở nên nhỏ bé trước các diễn biến thời tiết. “Biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu, nhưng những đám cỏ ở đây lại là một vấn đề địa phương”, ông Trauernicht nêu ví dụ. “Đó là điều mà chúng ta có thể kiểm soát”.
LÊ QUẢNG (Theo Washington Post)