Những dấu hiệu nhận biết bệnh do virus Ebola
PGS TS Trần Đắc Phu khuyến cáo nên đến cơ sở y tế khi: sốt cao kéo dài, đau đầu, đau cơ vùng bụng và ngực, viêm họng, tiêu chảy cấp…
Theo PGS TS BS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Chánh Văn phòng đáp ứng khẩn cấp dịch bệnh: Bệnh do virus Ebola (bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm (được gọi là bệnh truyền nhiễm nhóm A) có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao (có thể lên tới 90%).
PGS TS Trần Đắc Phu khuyến cáo hãy đến các cơ sở y tế khi có các triệu chứng như: sốt cao kéo dài, đau đầu, đau cơ vùng bụng và ngực, viêm họng, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy cấp, xuất huyết da niêm mạc (dấu hiệu dây thắt, ban xuất huyết hoặc dát sần, cháy máu cam) và xuất huyết phủ tạng (nôn, ỉa ra máu).
Thể nặng điển hình thường có tổn thương gan, suy thận, viên tổ chức não, có thể biến chứng suy đa phủ tạng, tràn dịch màng phổi và sốc.
Nói về hình thức lây truyền bệnh, GS TS Nguyễn Thành Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với dụng cụ bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh.
GS TS Nguyễn Thành Long khẳng định: “Các loài tinh tinh, vượn người, khỉ rừng, linh dương và nhím Châu Phi có thể là ổ chứa virus và có khả năng lây sang người hoặc người bệnh và người mang virus tiềm ẩn cũng có vai trò nguồn truyền nhiễm trong chu trình lấy người – người”.
TS BS Trần Đắc Phu cho biết: Trên thế giới, vụ dịch đầu tiên được ghi nhận vào năm 1976 tại Sudan với hơn 600 trường hợp mắc. Từ đó đến nay, dịch đã xảy ra tại 11 quốc gia Châu Phi. Từ tháng 12.2013 đến ngày 1. 8.2014, dịch bệnh do virus Ebola đã bùng phát tại 4 quốc gia vùng Tây Phi gồm: Guinea, Leberia, Sierra Leone và Nigeria. Tính đến ngày 6.8.2014, đã có 1.779 trường hợp mắc, trong đó có 961 trường hợp tử vong tại 4 quốc gia trên. Đặc biệt, vụ dịch lần này đã ghi nhận hơn 200 cán bộ y tế đã mắc bệnh vì họ là những người đã trực tiếp tham gia vào chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh Ebola tại các quốc gia này.
TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Dịch bệnh có thể lây lan ra các quốc gia khác thông qua khách du lịch, người làm việc, học tập và lao động tại các quốc gia đang có dịch bệnh và trở về nước. Tại Mỹ đã ghi nhận 3 trường hợp công dân Mỹ làm việc và nhiễm bệnh tại Siera Leon. Tại Việt Nam, tính đến ngày 11.8.2014 vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh do virus Ebola.
Theo VOV