Phát triển ngành nghề nông thôn gắn với phát triển ngành Sinh vật cảnh:
Cần thêm nhiều giải pháp đột phá, sát thực tế
Trong khuôn khổ các hoạt động thuộc Triển lãm và Hội thi Sinh vật cảnh (SVC) khu vực miền Trung - Tây Nguyên mở rộng năm 2023, sáng 20.8, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tổ chức Hội thảo Đề xuất giải pháp thực hiện Nghị định 52/NĐ-CP ngày 12.4.2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn gắn với phát triển ngành kinh tế SVC.
Quang cảnh Hội thảo.
Báo Bình Định trích, giới thiệu một số ý kiến, giải pháp đột phá được các đại biểu nêu tại hội thảo.
TS NGUYỄN HỮU VẠN, CHỦ TỊCH HỘI SVC VIỆT NAM:
“Gõ cửa” một lần không được thì nhiều lần
Đất nước chúng ta có nhiều nguồn tài nguyên SVC đa dạng, phong phú có tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn, như cây cảnh, đá cảnh, gà cảnh, chim cảnh, gỗ… Nghị định 52 xác định SVC là một trong những ngành sản xuất, kinh doanh được định hướng phát triển. Đây là niềm tự hào nghề nghiệp của nghệ nhân, nhà vườn, hội viên SVC trên cả nước khi Nhà nước định danh SVC trong quy định. SVC giờ đây là một ngành kinh tế thực thụ, đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu.
Tuy nhiên, thực hiện cơ chế, chính sách này như thế nào, đòi hỏi vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là vai trò của ngành Nông nghiệp trong việc triển khai. Với vai trò, trách nhiệm là tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam và Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, Hội SVC tập hợp những người làm SVC, hội viên hưởng ứng cho tốt để thực hiện, nhưng không phải thực hiện một cách thụ động, mà phải chủ động đề xuất những cơ chế cho cơ quan nhà nước để hoạch định thực hiện cơ chế, chính sách phát triển SVC từ tạo điều kiện vốn vay, thị trường tiêu thụ…
Chúng ta “gõ cửa” một lần không được, thì “gõ cửa” nhiều lần để ý kiến đó tác động đến các cơ quan quản lý nhà nước, hướng đến hiện thực hóa và triển khai, thực hiện chính sách SVC một cách hiệu quả, góp phần phát triển bền vững ngành nghề nông thôn gắn với phát triển kinh tế SVC.
PGS.TS ĐẶNG VĂN ĐÔNG, PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU RAU QUẢ, TRƯỞNG BAN HOA, CÂY CẢNH (HỘI SVC VIỆT NAM):
Nghị định 52 tạo động lực để làng nghề sinh vật cảnh vươn xa
Sau 2 năm thực hiện Nghị định 52, làng nghề nông thôn đã có sự chuyển biến tích cực. Tổng doanh thu và kim ngạch xuất khẩu ngành nghề nông thôn tăng bình quân 10%/năm, đến nay đạt trên 236 nghìn tỷ đồng. Khu vực này đang thu hút hơn 9.450 DN, 3.382 HTX, 6.553 tổ hợp tác và trên 797.600 hộ tham gia sản xuất, tạo việc làm cho trên 2,3 triệu lao động, thu nhập bình quân đạt 4 - 5 triệu đồng/lao động/tháng, cao hơn gấp 2 lần lao động thuần nông. Mặc dù vậy, việc triển khai thực hiện Nghị định 52 vẫn còn nhiều hạn chế.
Để SVC tiếp tục phát triển ở giai đoạn tới, tôi đề xuất: Tạo môi trường thuận lợi cho phát triển ngành nông nghiệp và kinh tế SVC; xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, phát triển trong ngành nông nghiệp và kinh tế SVC; giảm giới hạn về các thủ tục phức tạp để thuận lợi cho việc khởi nghiệp và phát triển trong ngành; khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp, công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp và chăm sóc SVC; phát triển và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp và kinh tế SVC.
Đồng thời, tạo điều kiện để các DN trong ngành nông nghiệp và kinh tế SVC có thể hợp tác, liên kết với nhau để tận dụng lợi thế và tài nguyên chung; xây dựng mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng để đảm bảo chất lượng sản phẩm và khả năng tiếp cận thị trường.
Bên cạnh đó, cần xem xét, sửa đổi, bổ sung một số nội dung của NĐ 52, trong đó có bổ sung một số nghề mới có triển vọng (những nghề liên quan đến SVC, như ứng dụng công nghệ số vào SVC, truyền thông về SVC…); các quy định về tiêu chí và công nhận làng nghề SVC gắn du lịch dịch vụ...
ÔNG HỒ VĨNH THẢO, CHI CỤC TRƯỞNG CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN (SỞ NN&PTNT TỈNH BÌNH ĐỊNH):
Khuyến khích DN cùng tham gia đầu tư, sản xuất hoa, cây cảnh
Thực hiện Nghị định 52, đến nay Chi cục Phát triển Nông thôn đã rà soát, lập hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận 17 làng nghề, làng nghề truyền thống đạt các tiêu chí theo quy định tại Nghị định số 52, trong đó có 5 làng nghề SVC. Thời gian tới, để phát triển ngành hoa, cây cảnh ở Bình Định, cần triển khai và thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, ngoài việc đầu tư hạ tầng cho làng nghề cần tập trung hỗ trợ tập huấn, ứng dụng các tiến bộ KHKT trong chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, chuyển giao các giống hoa mới phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương để đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu của thị trường; triển khai, thực hiện tốt các nội dung trong Đề án phát triển làng nghề sản xuất cây mai vàng Nhơn An trên địa bàn TX An Nhơn và Đề án phát triển làng nghề trồng hoa Bình Lâm trên địa bàn xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Cùng với đó cần tăng cường hỗ trợ đầu tư xúc tiến thương mại về hoa, cây cảnh; tìm kiếm mở rộng các thị trường tiêu thụ theo hình thức liên kết chuỗi. Phát huy vai trò của tổ chức kinh tế hợp tác tại các làng nghề trong thực hiện dịch vụ, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm thị trường; ứng dụng tốt công nghệ số trong kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Chú trọng xây dựng nhãn hiệu, đăng ký bảo hộ và quản lý, khai thác có hiệu quả, tiến tới xây dựng thương hiệu của các làng nghề hoa, cây cảnh. Các làng nghề phải chủ động trong việc xây dựng các kế hoạch/phương án sản xuất, kêu gọi các tổ chức, cá nhân góp vốn liên doanh, liên kết và hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích các DN, các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư, sản xuất hoa, cây cảnh…
ÔNG TRẦN BẢO PHÁT - ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH HỘI SVC VIỆT NAM, CHỦ TỊCH HỘI SVC TỈNH QUẢNG NGÃI:
Cần kết nối, liên kết giữa nhà vườn, người sản xuất, thị trường… trong, ngoài tỉnh
Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 200 ha hoa cảnh, cùng hàng trăm nhà vườn, trong đó có 29 nhà vườn tiêu biểu cấp tỉnh và 3 nhà vườn tiêu biểu được Trung ương Hội SVC Việt Nam công nhận. Đáng chú ý, người Quảng Ngãi có truyền thống chơi bonsai, cây cảnh từ rất sớm, với đa chủng loại cây, như: Tùng, mai chiếu thủy, cần thăng, kim quất, nguyệt quế, bông trang, me, sơn trà, hải châu, sam, linh sam, duối…
Để các loại hình SVC phát triển hơn nữa, tôi đề nghị cần tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp chính, gồm: Điều tra, thống kê SVC; quy hoạch; kết nối, liên kết ngành và địa phương; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn; kiện toàn và mở rộng tổ chức, các thành viên của Hội SVC; cơ chế chính sách phát triển SVC. Tỉ như ở giải pháp về kết nối, liên kết ngành và địa phương thì cần phát huy vai trò của tổ chức, cá nhân uy tín để kết nối, liên kết giữa nhà vườn, người sản xuất, thị trường… trong, ngoài tỉnh, đồng thời kết nối với các lĩnh vực khác, như thương mại, dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Xây dựng nhà vườn sinh thái SVC kết hợp sản xuất nông nghiệp hữu cơ…
ÔNG PHAN VĂN SÁU, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI SVC XÃ NHƠN AN (TX AN NHƠN):
Phát triển làng nghề mai cảnh gắn với du lịch
Ông Phan Văn Sáu
Làng nghề trồng mai cảnh xã Nhơn An hiện có hơn 1.500 hộ làm nghề với hơn 400 nghìn cây, doanh thu bình quân mỗi hộ khoảng 40 triệu đồng/năm (giai đoạn từ năm 2020 - 2021), có hộ đạt doanh thu cao hơn 1 tỷ đồng/năm. Nhà nước quan tâm đầu tư, mở rộng diện tích hơn 90 ha để quy hoạch khu trồng mai tập trung, ứng dụng KHKT gắn bảo vệ môi trường. Những năm gần đây, người trồng mai đã từng bước đa dạng chủng loại, sản phẩm phù hợp với xu hướng thị trường tiêu thụ trên cả nước từ kiểu dáng, giống hoa… Cùng với việc tham gia các hoạt động triển lãm, hội chợ, hội thi SVC, lễ hội mai vàng An Nhơn, làng mai cảnh Nhơn An cũng tiếp đón nhiều đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm và trải nghiệm các tour du lịch sinh thái, nhà vườn, làng nghề mai để quảng bá thương hiệu.
Để từng bước đưa làng nghề mai cảnh Nhơn An phát triển gắn với du lịch, địa phương từng bước đưa HTX Mai vàng Nhơn An đi vào hoạt động, sản xuất; chú trọng phát triển và quản lý cây đầu dòng để gìn giữ bản sắc, nét đặc trưng của các giống mai Nhơn An; bảo vệ và quản lý nhãn hiệu tập thể “Mai vàng Nhơn An”…. Tỉnh và TX An Nhơn tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống điện, thủy lợi, các điểm giao dịch, mua bán, nhà vườn lớn để phục vụ các tour du lịch sinh thái, trải nghiệm.
Công chúng tham quan Triển lãm và Hội thi SVC khu vực miền Trung - Tây Nguyên mở rộng năm 2023 tổ chức tại TP Quy Nhơn.
Nguồn: BTV
NGỌC NHUẬN - TRỌNG LỢI (ghi)