Trung Quốc "đang nổi lên" dẫn đầu thị trường năng lượng gió toàn cầu
Riêng hãng Goldwind của Trung Quốc, công ty dẫn đầu thị trường nội địa, đứng thứ hai trên thị trường thế giới chiếm 13% thị phần, sau Vestas của Đan Mạch 14%.
Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trung Quốc đang nổi lên dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất điện gió toàn cầu, với các nhà sản xuất của nước này cung cấp gần 60% công suất lắp đặt trên toàn thế giới trong năm 2022.
Các số liệu do Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu có trụ sở tại Brussels (Bỉ) tổng hợp cho thấy Trung Quốc đang tuyên bố chiếm thị phần lớn trong cả thị trường năng lượng gió và tấm pin Mặt Trời.
Goldwind của Trung Quốc, công ty dẫn đầu thị trường nội địa, đứng thứ hai trên thị trường thế giới chiếm 13% thị phần, sau Vestas của Đan Mạch 14%.
Trong số 15 công ty hàng đầu trên toàn thế giới, 10 công ty là của Trung Quốc, bao gồm Envision ở vị trí thứ năm chiếm 9% thị phần và Mingyang Smart Energy ở vị trí thứ sáu với 7%.
Tổng cộng, Trung Quốc chiếm 56% công suất lắp đặt, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Thị phần của Trung Quốc đã tăng vọt từ mức 37% mà nước này nắm giữ vào năm 2018.
Tập đoàn Năng lượng Tái tạo Siemens Gamesa của Tây Ban Nha xếp thứ ba với 10%, giảm từ mức 12% hồi năm 2018. Thị phần chung của các công ty châu Âu đã giảm từ 55% năm 2018 xuống 42% vào năm 2022.
Chính phủ Trung Quốc đã đóng vai trò tích cực trong việc phát triển ngành sản xuất điện gió ngoài khơi của đất nước, không chỉ để giải quyết tình trạng thiếu điện và ô nhiễm không khí, mà còn biến năng lượng tái tạo thành nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.
Sự mở rộng của lĩnh vực này được thúc đẩy bởi một thông báo năm 2019 của chính phủ kêu gọi các nhà cung cấp năng lượng kết nối các cơ sở của họ với mạng lưới điện vào cuối năm 2021 để tận dụng giá mua hào phóng được cung cấp theo biểu giá điện đầu vào của Chính phủ.
Do đó, công suất điện gió ngoài khơi tích lũy của Trung Quốc đã tăng lên khoảng 31 gigawatt vào năm 2022, lần đầu tiên vượt châu Âu để giành vị trí số một toàn cầu. Công suất lắp đặt mới ở Trung Quốc trong cùng năm là khoảng 5 gigawatt, cao hơn gấp đôi so với châu Âu.
Các nhà sản xuất Trung Quốc từ đó đã cải thiện khả năng cạnh tranh về chi phí bằng cách tăng quy mô, mở rộng kênh bán hàng ở châu Âu và Nhật Bản.
Các turbin gió do Mingyang Smart Energy sản xuất đã được lắp đặt tại các trang trại gió ngoài khơi ở Italy vào năm 2022 và tại tỉnh Toyama của Nhật Bản vào tháng Sáu vừa qua.
Châu Âu dẫn đầu về năng lượng gió bắt đầu từ những năm 2010, nhưng tốc độ phát triển đã chậm lại do chi phí cao bắt nguồn từ việc tăng lãi suất và lạm phát. Tập đoàn Siemens Gamesa Renewable Energy gặp khó khăn về tài chính và trở thành công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Siemens Energy của Đức.
Tại Mỹ, General Electric (GE) đã công bố khoản lỗ 773 triệu USD trong hoạt động kinh doanh năng lượng tái tạo trong nửa đầu năm nay.
Báo cáo của Công ty Nghiên cứu Wood Mackenzie của Anh cho biết các nhà sản xuất Trung Quốc có thể tăng thị phần của họ hơn nữa bằng cách tận dụng khả năng cạnh tranh về chi phí, điều này sẽ khiến "các nhà phát triển và hoạch định chính sách khó từ chối các nhà cung cấp Trung Quốc”.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc ngày càng lớn vào các nhà sản xuất Trung Quốc có thể làm tăng rủi ro nguồn cung trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mỹ đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là tăng công suất phát điện gió ngoài khơi từ hàng chục megawatt hiện nay lên 110.000 megawatt vào năm 2050. Mục tiêu đến năm 2050 sẽ tương đương với công suất của 110 lò phản ứng hạt nhân.
Mỹ, quốc gia đã hạn chế nhập khẩu tấm pin Mặt Trời của Trung Quốc bằng thuế quan, có thể thực hiện một bước tương tự đối với các turbin gió của Trung Quốc.
Trong khi đó, Nhật Bản đã không thành công trong việc phát triển thị trường nội địa, với Mitsubishi Heavy Industries và Hitachi rút khỏi sản xuất turbin gió sau khi thua cuộc các đối thủ nước ngoài.
Chính phủ Nhật Bản hiện đang nỗ lực thúc đẩy các nhà khai thác trong nước, với mục tiêu lắp đặt 30.000 đến 45.000 megawatt điện gió ngoài khơi vào năm 2040.
Toshiba sẽ hợp tác với GE để khởi động một nhà máy lắp ráp máy phát điện và các bộ phận khác của tua-bin gió vào năm 2026.
Theo Nguyễn Tuyến (TTXVN/Vietnam+)