Nhịp cầu khoa học nối Bình Ðịnh - Việt Nam ra thế giới
Tháng 8.2023, tròn 10 năm Trung tâm Quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) đi vào hoạt động và trở thành điểm hẹn hấp dẫn các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Tháng 8.2008, GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam (Giám đốc ICISE) và vợ là GS Lê Kim Ngọc, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam tại Pháp đến TP Quy Nhơn gặp lãnh đạo UBND tỉnh để khảo sát triển khai dự án ICISE. Được sự đồng ý và ủng hộ từ Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, cuối năm 2011, Hội Gặp gỡ Việt Nam và UBND tỉnh tổ chức lễ khởi công xây dựng ICISE. Trung tâm được khánh thành, đưa vào sử dụng từ ngày 12.8.2013. Tính đến năm 2023, ICISE đã tổ chức gần 150 hội nghị khoa học quốc tế, hơn 45 trường học khoa học chuyên đề với gần 10.000 nhà khoa học đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Trong đó, có 18 giáo sư Nobel, 2 giáo sư đoạt giải Fields, 2 giáo sư đoạt giải Kavli, 1 giáo sư đạt giải Dirac… và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác.
Toàn cảnh ICISE. Ảnh: D.NHÂN
Bên cạnh các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế đỉnh cao, Hội Gặp gỡ Việt Nam còn tổ chức nhiều buổi thuyết trình khoa học đại chúng dành cho học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học; các buổi giao lưu trực tuyến/trực tiếp với các giáo sư đoạt giải Nobel và học sinh, sinh viên ưu tú Việt Nam đoạt giải Olympic quốc tế. Đáng chú ý, sau 10 năm hoạt động, ICISE đã có các sản phẩm từ hoạt động KH&CN được các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương và Trung ương công nhận; trong đó có Viện Nghiên cứu khoa học và giáo dục liên ngành (IFIRSE) trực thuộc ICISE. Hiện IFIRSE đã thành lập 3 nhóm nghiên cứu, gồm: Vật lý lý thuyết (năm 2017), Vật lý neutrino (năm 2018), Vật lý thiên văn SAGI (năm 2022); đồng thời bước đầu thiết lập được một phòng thí nghiệm với thiết bị được các giáo sư Nhật Bản tặng và ICISE tự trang bị để có thể bắt đầu làm được một số thí nghiệm nhỏ về neutrino…
Hội nghị khoa học quốc tế “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” năm 2023 được tổ chức tại ICISE. Ảnh: T.LỢI
Theo GS Trần Thanh Vân, ICISE ra đời nhằm phát triển khoa học, giáo dục, giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ châu Á, trước tiên là Việt Nam hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế. Đây là cơ hội cho các bạn trẻ nâng cao trình độ hiểu biết của mình thông qua việc tham dự các cuộc gặp và chia sẻ ý tưởng với các đồng nghiệp quốc tế trình độ cao. “Không có sự giúp đỡ và hỗ trợ mạnh mẽ của các lãnh đạo Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định và sự ủng hộ của các nhà khoa học hàng đầu quốc tế cũng như trong nước, thì ICISE sẽ không có kết quả tốt đẹp như hiện nay”, GS Vân nhấn mạnh.
Có thể thấy, từ ngày đi vào hoạt động, ICISE đã có những đóng góp quan trọng cho tỉnh về học thuật, khoa học, giáo dục, đào tạo; quảng bá hình ảnh Việt Nam (trong đó có tỉnh Bình Định) ra thế giới. ICISE là cầu nối thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực công nghệ về Bình Định. Đặc biệt, sự xuất hiện của ICISE là cơ sở để tỉnh xây dựng đề án phát triển “Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, với mục tiêu là khu đô thị đa chức năng, giữ vai trò quan trọng đối với phát triển KT-XH miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, hướng đến phát triển Quy Nhơn thành một thành phố khoa học hàng đầu của Việt Nam, nơi giao lưu của các nhà khoa học hàng đầu thế giới; phát huy chất xám trong nghiên cứu khoa học, gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và hoạt động phát triển công nghệ với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; thu hút các nguồn lực trong nước và ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển khoa học…
Đóng góp của ICISE cho khoa học, giáo dục rất thiết thực
“Nếu tính từ ngày GS Trần Thanh Vân về Việt Nam khảo sát, tìm địa điểm để xây dựng ICISE tới nay đã 15 năm và từ khi trung tâm được thành lập đi vào hoạt động thì đã là 10 năm. Trong suốt thời gian đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Bình Định luôn theo sát, đánh giá cao sự đóng góp rất thiết thực của ICISE cho khoa học, giáo dục tỉnh Bình Định nói riêng và cả đất nước nói chung. Chúng tôi rất vui mừng biết rằng tại đây, nhiều hoạt động khoa học được tổ chức nghiêm túc, sôi động như GS Phạm Quang Hưng (ĐH Virginia, Mỹ) hồi nãy có nói là: “Có nhiều hội thảo, với nhiều bài báo cáo chất lượng cao”. Tỉnh Bình Định cũng nhờ đó mà được biết đến rộng rãi trong giới khoa học thế giới, Quy Nhơn có triển vọng trở thành một thành phố khoa học hàng đầu của Việt Nam, nơi gặp gỡ, giao lưu, làm việc có thời hạn của các nhà khoa học hàng đầu thế giới” - Chủ tịch nước VÕ VĂN THƯỞNG
(Trích bài phát biểu tại buổi tiếp đoàn đại biểu các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam tiêu biểu tham dự hội nghị “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” của Hội Gặp gỡ Việt Nam, vào ngày 12.8, tại Phủ Chủ tịch - TP Hà Nội).
Xây dựng Bình Định thành điểm đến của các nhà khoa học
“Việc xây dựng Bình Định trở thành một điểm đến của các nhà khoa học luôn được các thế hệ lãnh đạo của tỉnh quan tâm và được coi là hướng đi mới trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. Trên cơ sở các hoạt động của ICISE, để KH&CN trở thành một động lực tăng trưởng, tỉnh Bình Định đang khẩn trương triển khai xây dựng Khu đô thị Khoa học Quy Hòa với mục tiêu đưa Quy Nhơn trở thành một thành phố khoa học - giáo dục đặc trưng của cả nước. Khu đô thị này có diện tích khoảng 242 ha, hiện đã có các dự án đi vào hoạt động như: Công viên sáng tạo TMA, công viên phần mềm của Công ty TNHH phần mềm FPT; khu Tổ hợp không gian khoa học... Trong tương lai, hứa hẹn sẽ có nhiều dự án KH&CN tại đây” - Bí thư Tỉnh ủy HỒ QUỐC DŨNG
(Trích phát biểu tại Hội nghị khoa học quốc tế “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” và lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Gặp gỡ Việt Nam (1993 - 2023), 10 năm hoạt động của ICISE (2013 - 2023), sáng 7.8”.
TRỌNG LỢI