Cẩn thận khi rung lắc trẻ
Ở trẻ em lúc mới sinh, do tốc độ phát triển xương sọ nhanh hơn bộ não nên khi mới sinh, não và xương sọ có khoảng trống. Vài năm sau, khi lớn lên, tốc độ phát triển não nhanh hơn sẽ bắt kịp và khớp xương sọ. Chính vì thế khi rung lắc, phần não bé sẽ bị tổn thương nặng nề gây xuất huyết não, xuất huyết khoang não thất... gây hôn mê sâu, liệt người và thậm chí tử vong. Bên cạnh đó, việc rung lắc khiến cổ trẻ bị tổn thương và có thể gãy cổ. Đơn giản một điều là nếu gãy ngay cổ, từ cổ trở xuống của trẻ sẽ liệt vĩnh viễn.
Hình minh họa
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, hậu quả có thể còn nặng nề hơn nếu đầu trẻ va chạm mạnh vào một bề mặt nào đó như tường, sàn nhà hay giường. Khi đó, trẻ bị dừng lại đột ngột bởi một va chạm mạnh, hậu quả là não sẽ bị xoắn vặn trong hộp sọ dẫn đến tình trạng các mạch máu và thần kinh của não bị vỡ, gây xuất huyết não, phù não, tăng áp lực nội sọ.
Các bác sĩ cho biết thêm, sau 3 - 6 tháng trẻ mới có thể tự nâng đầu lên và trong thời gian này, nếu bế trẻ, hãy đặt tay dọc theo cột sống con để nâng đỡ toàn bộ đầu và cột sống của trẻ. Các bậc cha mẹ không nên có những động tác làm thay đổi tư thế trẻ nhanh đột ngột như trẻ đang nằm được bế thốc dậy, nhấc bổng trẻ lên cao, xốc nách nhấc trẻ lên cao rồi hạ xuống. Đồng thời, khi trẻ quấy khóc người lớn không nên tát, đánh vào đầu trẻ. Khi di chuyển trẻ, hãy giữ cổ ở tư thế tương đối cố định. Khi trẻ khóc kéo dài không dỗ được cần phải kiểm tra kỹ nguyên nhân, không nên bỏ qua chi tiết này. Và đừng bao giờ và cũng đừng cho ai lắc các bé vì những tổn thương không chỉ xảy ra ngay trong thời điểm hiện tại mà có thể một thời gian sau mới đến, và dù sớm hay muộn thì đều gây ảnh hưởng xấu về lâu dài.
Người có kiến thức, thông tin nên cung cấp cho người khác, các bà mẹ khác, đặc biệt những người có con lần đầu không được tiếp cận thông tin từ bác sĩ y khoa, giúp họ tránh làm tổn thương các bé. Nên thông báo ngay cho bác sĩ nếu nghi ngờ bé có bất kỳ bất thường gì sau quá trình rung lắc.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)