Người giữ hồn bả trạo ở làng biển Mỹ An
47 năm miệt mài và tâm huyết với bả trạo từ buổi thiếu thời đến nay, ông Phạm Văn Hai (64 tuổi, thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ) đã tham gia, hướng dẫn, dìu dắt hàng chục lớp bạn chèo bằng cả tâm huyết. Năm tháng qua đi nhưng ông Hai vẫn vẹn nguyên niềm đam mê với tâm niệm “làng biển thì phải có bả trạo”.
Nhiều lần tham dự Lễ hội cầu ngư Thạnh - Bình - Nam do các thôn Xuân Thạnh, Xuân Bình và Xuân Thạnh Nam của xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ cùng tổ chức, tôi luôn ấn tượng với phần biểu diễn chèo bả trạo và dễ dàng nhận ra vai trò nổi trội của ông Hai.
Ông Hai chia sẻ: Từ năm 17 tuổi, tôi bắt đầu tham gia làm bạn chèo, và tôi thấy yêu thích, tự hào khi được đứng trong hàng ngũ đội chèo. Khi đó, quê hương còn khó khăn, nhưng bất cứ ai khi được gọi tham gia đội chèo đều vui vẻ nhận lãnh nhiệm vụ, vì đó là một vinh dự của làng xã, là dấu hiệu được bà con tín nhiệm, và trong tâm linh ai cũng ngầm tự coi đã là một đặc ân của thánh thần, biển cả ban cho. Khi lớn lên, để ý đến cách hướng dẫn của người tổng mũi và tôi quyết tâm phát triển bản thân nhiều hơn ở đội bả trạo. Sau nhiều năm, khi những vị tiền bối cao niên kỷ lùi lại, tôi vinh dự được Ban đầm vạn bầu làm tổng mũi. Nhận lãnh vinh dự đó, tôi luôn tâm niệm phải giữ cho được nét truyền thống của quê hương và bồi đắp cho nó ngày càng tốt đẹp thêm. Mỗi khi tổ chức lễ hội, tôi tất bật cả tháng trời để chuẩn bị, tập luyện lại đội sao cho nhuẫn nhuyễn và dồn hết sự tôn kính của mình vào từng nhịp chèo, vì đây không chỉ là biểu diễn cho bà con xem mà trong tâm linh người làng biển chúng tôi, đây còn là một hình thức giao kết, báo cáo với các vị thánh thần biển cả. Sự thuận hòa một năm của xóm làng có liên quan đến nghi thức này rất nhiều.
Ông Phạm Văn Hai ở vị trí tổng mũi đang dẫn đầu đội bả trạo tại Lễ hội cầu ngư Thạnh Bình Nam năm 2023. Ảnh GIA BẢO
Theo những người thạo bả trạo, thanh thiếu niên ở lứa tuổi 15 - 20 là phù hợp nhất để tham gia tập luyện bả trạo. Tuy nhiên ngày nay, những người ở độ tuổi này phần lớn còn đang đi học, hoặc đi làm ăn xa, những người đang ở địa phương thì ít muốn tham gia vì không có thù lao. Hiện nay, đội chèo bả trạo Mỹ An chủ yếu là những ngư dân trung niên.
Hiện đội chèo có 12 con trạo dưới sự chỉ dẫn của ông Hai, tuy nhiên thành phần thay đổi liên tục nên đa số con trạo đều theo tập mới 3 - 4 năm nay. Thiếu người, ông Hai đã nhiều lần thuyết phục người nhà, bà con, hàng xóm. Anh Phạm Văn Lãnh, 37 tuổi, con trai ông Hai, cho biết: Thiếu người chèo nên ba tôi nhiều lần thuyết phục tôi, con rể và cháu họ cùng tập; sau nhiều lần đắn đo, ngại ngùng cuối cùng chúng tôi đã theo tập và phục vụ 3 - 4 kỳ lễ hội rồi. Thật lòng mà nói ban đầu vì tôi thương ba tôi, nhưng về sau thấy cũng có nhiều may mắn và gia sự yên ổn nên tôi cũng yên tâm, bền chí phục vụ.
Bà Nguyễn Thị Thanh, một người dân ở thôn Tân Phụng, xã Mỹ Thọ, cho biết: Nhà tôi vốn có gốc gác ở Mỹ An nên năm nào vợ chồng con cái tôi cũng về Mỹ An dự Lễ hội cầu ngư, tôi thích nhất là biểu diễn bả trạo, có thứ gì đó rất đặc biệt và tâm linh. Tôi quen biết ông Hai nhiều năm nay, ổng làm việc rất chăm chỉ và nhiệt huyết, đặc biệt là biểu diễn bả trạo rất có thần thái. Có dịp xem nhiều đội bả trạo biển diễn, đến giờ với tôi đội bả trạo ở Mỹ An vẫn là đội hay nhất.
“Bạn chèo dễ kiếm, tổng mũi khó tìm”, để được bầu lên tổng mũi không phải dễ. Đó phải là người có tâm huyết và trách nhiệm cao, khi chỉ huy đội chèo, điệu bộ, thần thái phải toát lên sự tôn kính và trang nghiêm trước thánh thần.
Nói về người giữ hồn bả trạo ở quê nhà, ông Nguyễn Đức Tài, Trưởng ban đầm vạn ba thôn Thạnh - Bình - Nam, cho biết: Ông Phạm Văn Hai được Ban đầm vạn thống nhất chọn làm tổng mũi và cả chục năm nay, ông Hai tỏ ra rất xứng đáng với sự tin cậy không chỉ của chúng tôi mà còn với bà con Mỹ An. Ông ấy đã làm tốt vai trò của mình, dẫn dắt và duy trì đội bả trạo. Với niềm tha thiết yêu quê hương, tâm huyết với bả trạo, ông Hai đang tìm người để truyền lại vị trí tổng mũi và chúng tôi hết sức ủng hộ ông. Xưa nay được đứng vào đội bả trạo là niềm vinh dự nên đầm vạn, làng xã không hề phải trả công. Nhưng thời thế mỗi lúc mỗi khác, chúng tôi cũng rất linh hoạt nên 5 năm nay, chúng tôi có vận động những nhà hảo tâm, các chủ thuyền, những người con quê hương làm ăn xa đóng góp chi phí tổ chức Lễ hội nên các thành viên trong đội bả trạo cũng được hỗ trợ một phần. Và điều đáng mừng là cuộc sống khá lên thì sự hỗ trợ cũng tốt lên theo.
GIA BẢO