Lời hẹn Quy Nhơn
Mỗi lần đứng bên bờ biển Quy Nhơn, trong tôi lại sống dậy hình ảnh cha mình và đồng đội vào thời khắc từ biệt gia đình, quê hương xuống tàu tập kết ra Bắc, thực hiện Hiệp định Genève.
1. Ba tôi quê Quảng Ngãi. Ông tham gia du kích địa phương từ thời thiếu niên và sau đó cầm súng chống Pháp. Đơn vị của ông, Tiểu đoàn 375, được thành lập đầu năm 1954 và chiến đấu ở chiến trường Phú Yên. Ngay từ khi ra đời, Tiều đoàn liên tục quần nhau với địch và giành nhiều chiến công oanh liệt. Riêng ông, nhiều lần bị thương với những mức độ khác nhau.
Khi Hiệp định Genève ký kết, chấp hành lệnh ngừng bắn, Tiểu đoàn 375 tập kết về Bình Định vào giữa tháng 8.1954. Đúng ngày 2.9 năm đó, tại gò Đại (Phù Cát), Bộ tư lệnh Liên khu V công bố quyết định của Bộ tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam về việc thành lập Sư đoàn 324, gồm 3 Trung đoàn 809, 96 và 90. Tiểu đoàn 375 được biên chế vào Trung đoàn 90.
Tại Bình Định, Tiểu đoàn 375 đóng quân ở Tam Quan (Hoài Nhơn) rồi Phú Phong (Tây Sơn). Hết 300 ngày, đơn vị hành quân về Quy Nhơn. Ngày 20.5.1955, Tiểu đoàn của ba tôi xuống tàu và cũng là đơn vị cuối cùng rời Cảng Quy Nhơn lên đường tập kết ra Bắc.
Đài kỷ niệm tập kết ra Bắc tại Quy Nhơn với chủ đề "Ra đi để giữ vững ngọn cờ độc lập" được xây dựng năm 2009, nhân kỷ niệm 55 ngày diễn ra sự kiện tập kết.
Ba tôi kể, ông vẫn nhớ như in lúc chia tay, người dân đứng chật bến cảng vẫy chào. Những người mẹ, người vợ cầm nón lá huơ huơ như cố để con, để chồng mình thấy được rõ hơn. Ông chỉ có một mình, vì người thân đều ở xa, không ai đưa tiễn. Nhưng đây không chỉ là cuộc tiễn đưa của những người thân trong gia đình, mà còn là nhân dân tiễn đưa cán bộ, bộ đội đi tập kết với niềm tin chỉ hai năm nữa sẽ là ngày chiến thắng trở về.
“Trong thời khắc tàu rời bến, các chiến sĩ trong lòng bịn rịn nhưng ai cũng giơ hai ngón tay hướng về những người ở lại với hàm ý biểu hiện niềm tin chiến thắng, đồng thời là lời hẹn hai năm sẽ trở về với gia đình, quê hương”, ba tôi kể trong niềm xúc động. Ông cũng thường tâm sự, đây là cuộc chia tay vì nghĩa lớn và đoàn quân đi với khí thế hào hùng. Đó cũng là một trong những thời khắc đáng nhớ nhất thời trai trẻ của ông.
Nhưng không phải hai năm, mà 20 năm sau lời hẹn đoàn tụ ngày nào ở Quy Nhơn của ba tôi và bao đồng đội mới thành hiện thực.
Sau ngày đất nước thống nhất, ba tôi trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Nhiều năm sau đó, khi còn chung tỉnh Nghĩa Bình, ông thỉnh thoảng vào Quy Nhơn công tác, nhưng không có điều kiện thăm thú thành phố. Mãi đến khi nghỉ hưu, ông mới đi thăm một số nơi từng đóng quân hay từng đặt chân đến ở Bình Định. Ông đi dọc xã Cát Hanh, thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát)…rồi các huyện Phù Mỹ, Tuy Phước, Tây Sơn... để tìm thăm đồng đội, nhưng nhiều người đã không còn nên cũng không có cơ hội gặp lại nhau.
Ba tôi, ông Nguyễn Đắc Thắng, ngày vừa tập kết ra Bắc và thủ bút của ông trên trang đầu cuốn sách về đơn vị ông: Lịch sử Tiểu đoàn 375.
2. Gần 35 năm trước, khi tôi mới vào Quy Nhơn học đại học, ông đến thăm để xem tình hình ăn ở, học hành của tôi thế nào. Hai cha con ăn với nhau bữa cơm trưa tại một quán gần trường tôi học và cùng đi dạo bờ biển. Vừa đi, ông vừa dặn dò và ôn lại những ngày tháng đóng quân ở Bình Định, ngày lên đường ra Bắc tập kết tại Cảng Quy Nhơn. Và tất nhiên, không thể không nhắc đến giờ phút chia tay với lời hẹn 2 năm trở về. Câu chuyện của ông, dù là về chiến tranh, ly biệt, đau thương mất mát của mấy chục năm trước nhưng luôn tràn đầy niềm lạc quan, sức sống và tươi mới như vừa diễn ra.
Vì chuyện của ba, cả vì bản thân có nhiều gắn bó với Quy Nhơn nên tôi luôn coi mảnh đất này như một phần máu thịt và luôn trở về mỗi khi có thể. Đã nhiều lần, tôi trở về trong hò hẹn tràn ngập niềm vui, nhưng cũng có khi vội vã trong sự bàng hoàng đầy tiếc thương khi phải vĩnh viễn chia tay những người thân thiết ở mảnh đất yêu thương này.
3. TP Quy Nhơn bây giờ đã phát triển vượt bậc, khác rất nhiều so với ngày tôi còn học ở đó. Nhà cửa, phố sá rộng dài, khang trang với nhiều tòa nhà cao tầng hiện đại. Quy Nhơn có rất nhiều cây xanh và đặc biệt môi trường sạch sẽ, không còn phải nín thở khi đi qua “eo Nín thở”. Tôi cũng vừa trở về Quy Nhơn giữa mùa hè này và sung sướng được gặp lại những người thân yêu cũ, được cảm nhận những góc phố, con đường thân quen nhưng đã khoác lên mình một diện mạo rất mới.
Quy Nhơn gần đây được biết đến là một thiên đường của biển, nơi ngành du lịch đang trỗi dậy mạnh mẽ. Đi trên cây cầu Thị Nại đã từng được mệnh danh “cầu vượt biển dài nhất Việt Nam”, tôi ngửa mặt đón gió, trong lòng rộn ràng, háo hức như một đứa trẻ. Cây cầu đã mở một cánh cửa lớn cho TP Quy Nhơn và đánh thức tiềm năng du lịch của một vùng đất vốn hoang sơ, đồng thời là “thỏi nam châm” hút du khách muôn phương về với thành phố xinh đẹp này.
Từ trên cầu Thị Nại nhìn về thành phố, rất dễ để thấy sự nhộn nhịp của thương cảng Quy Nhơn với nhiều tàu vận tải lớn. Nơi ngày xưa ba tôi cùng đồng đội xuống tàu đi tập kết, giờ là một thương cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối vận chuyển hàng hóa của miền Trung nhưng đảm nhận chuyên chở hàng hóa cho cả Tây nguyên, Lào và Campuchia. Một người bạn là công chức ở địa phương cho biết, Cảng Quy Nhơn cũng vừa hoàn thành việc nâng cấp bến số 1, đảm bảo tiếp nhận đồng thời hai tàu container 30.000 DWT đầy tải. Việc nâng cấp nhằm đón lượng hàng thông qua Cảng đến năm 2025 dự kiến đạt 15 triệu tấn/năm. Ngoài ra, chủ đầu tư nạo vét khu nước, vũng quay tàu đáp ứng cho tàu 50.000 DWT đầy tải. Cảng sẽ tiếp tục được đầu tư mở rộng lên gần 90 ha, gấp 3 lần hiện nay, với các phân khu chức năng và công nghệ, thiết bị chuyên dùng đáp ứng vai trò cảng cửa ngõ khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
Tàu vận tải container ra vào cảng Quy Nhơn (Ảnh: Trần Xuân Toàn)
4. Những ngày lang thang ở Quy Nhơn, tôi nhận ra thành phố này có nét rất riêng, nhiều tượng danh nhân và tượng đài kỷ niệm, cả cũ lẫn mới. Đáng kể nhất là tượng đài Trần Hưng Đạo sừng sững ở bán đảo Phương Mai cùng các tượng đài khác ở khu vực trung tâm thành phố như tượng đài Hoàng đế Quang Trung, tượng đài Chiến thắng Quy Nhơn, Đài kỷ niệm tập kết ra Bắc, tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành... Ngoài ra, còn rất nhiều tượng về các danh nhân, đặt rải rác hay tập trung như vườn tượng danh nhân y học ở Quy Hòa. Vì thế, tôi tự gọi Quy Nhơn là thành phố của những pho tượng, điều mà rất ít đô thị hiện nay có được. Khoan bàn về chất lượng mỹ thuật, nhìn ở góc độ quy hoạch, những vườn tượng, tượng đài đi kèm quảng trường đã tạo nên các tiểu không gian đô thị thoáng đãng, có sự liên kết chặt chẽ với nhau hình thành một tổng thể không gian đô thị mạch lạc, hài hòa và nhiều điểm nhấn. Đồng thời, góp phần tôn thêm những giá trị lịch sử - văn hóa của một vùng đất và niềm tự hào của con người nơi đây.
Quy Nhơn ngày càng đẹp hút hồn với biển xanh - cát trắng - nắng vàng. Nhưng, điều ấy lại khiến tôi thêm phần tiếc nuối bởi chưa kịp đưa ba đi thăm lại Quy Nhơn và đặt chân đến bến cảng để sống lại một thời trai trẻ oanh liệt như ông từng mong muốn. Giờ đây, tôi đứng lặng trước Đài kỷ niệm tập kết ra Bắc bên bờ biển Quy Nhơn nhớ về ba - người lính ra đi vì nghĩa lớn năm xưa nay đã trở thành người thiên cổ. Tôi thầm nói với ba rằng: Ba đã cùng đồng đội "Ra đi để giữ vững ngọn cờ độc lập" và đã trở về đúng với lời thề son sắt.
Tôi cảm nhận, ba tôi đã trở về với điểm hẹn Quy Nhơn trong một dạng thức khác và bằng sự tiếp nối từ những bước chân của tôi.
ĐẠI DƯƠNG