Tuy Phước: Chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển vùng rau an toàn
Huyện Tuy Phước hiện có 300 ha trồng rau chuyên canh theo hướng an toàn, trong đó 2 vùng rau đã được chứng nhận hợp chuẩn VietGAP. Ðịa phương tích cực đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, giúp người trồng rau tăng năng suất, sản lượng và thu nhập.
Bám sát Chương trình hành động số 11-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025”, những năm qua, huyện Tuy Phước nỗ lực nâng cao chất lượng các sản phẩm trồng trọt, trong đó chủ lực là lúa và rau màu. Ngành nông nghiệp huyện tích cực chuyển giao mô hình ứng dụng công nghệ phù hợp thực tế sản xuất của địa phương như hệ thống tưới tiên tiến, tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, quy trình canh tác đồng bộ theo tiêu chuẩn VietGAP, để người dân áp dụng quản lý chất lượng sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tổ chức 15 lớp tập huấn cho 805 lượt người tham gia; thông tin, hướng dẫn để người dân tiếp cận và đưa vào sử dụng nhiều giống cây trồng mới giúp đa dạng hóa sản phẩm cho các vùng trồng rau an toàn.
Nông dân Tuy Phước đầu tư hệ thống tưới và sử dụng các giống rau mới chịu nhiệt ở vùng trồng chuyên canh. Ảnh: THU DỊU
Đến nay, huyện Tuy Phước duy trì và phát triển vùng chuyên canh trồng rau an toàn với 300 ha ở các xã Phước Hiệp, Phước Nghĩa, Phước Lộc, Phước An, Phước Hưng, Phước Sơn, Phước Quang, Phước Thuận, Phước Nghĩa, thị trấn Diêu Trì, thị trấn Tuy Phước. Trong số này, 15 ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, tập trung tại 2 xã Phước Hiệp, Phước Sơn, có 308 hộ dân tham gia.
Ngoài ra, HTXNN Phước Hiệp (xã Phước Hiệp) với nhãn hiệu “Lá lành” cho vùng rau hợp chuẩn VietGAP đã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong siêu thị, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn huyện và TP Quy Nhơn, bình quân 6 - 7 tấn/tháng. Giám đốc HTXNN Phước Hiệp Phạm Long Thăng cho biết: Được hưởng lợi từ dự án rau an toàn Bình Định nên việc tiếp cận và áp dụng KHKT, công nghệ vào sản xuất tương đối thuận lợi, bà con nông dân có những buổi học trên đồng ruộng, học hỏi kinh nghiệm của nhau, mạnh dạn chuyển hướng sang canh tác an toàn, canh tác đạt chuẩn theo quy trình VietGAP... Đến đầu năm nay, toàn bộ 13,5 ha trồng rau được chứng nhận VietGAP của HTX đã được cấp mã số vùng trồng. Trước đó, sản phẩm còn được hỗ trợ về truy xuất nguồn gốc, giúp tăng nhận diện với người tiêu dùng, trở thành lợi thế cạnh tranh so với vùng trồng rau khác.
Theo ông Nguyễn Văn Độ, cán bộ kỹ thuật thuộc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuy Phước - đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ KHKT, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp - việc tổ chức các lớp học thực tế ở những vùng trồng rau của huyện thu hút rất đông nông dân tham gia. Bà con nông dân được đào tạo kỹ thuật canh tác, lựa chọn giống, quy trình chăm sóc, nhận diện sâu bệnh hại và cách phòng trừ theo hướng an toàn để đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn cho người tiêu dùng.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước Phan Văn Khiêm cho hay, hiện có 70% diện tích lúa áp dụng kỹ thuật canh tác IPM (quản lý dịch hại tổng hợp); 1.000 ha áp dụng quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI. Trong khi đó, quy trình canh tác an toàn được triển khai, duy trì cho 300 ha sản xuất rau ở các vùng chuyên canh. Ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương đẩy mạnh chuyển giao giống cây trồng cho năng suất, chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đối khí hậu vào sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ KHKT đến người nông dân; các chương trình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn, dự án liên kết sản xuất tiếp tục mang lại hiệu quả cao. Nhờ vậy, đến nay, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, VietGAP… ngày càng tăng.
THU DỊU