“Chờ” vào nhóm ngành nặng nhọc ,độc hại
Mới đây, tỉnh Bình Định báo cáo Bộ Nội vụ về nhu cầu biên chế giáo viên năm học 2023 - 2024, cần bổ sung 1.230 biên chế giáo viên so với năm học 2022 - 2023. Trong số này, nếu tính đến hết năm học 2022 - 2023, tổng số viên chức và hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ có mặt ở cấp mầm non là 3.817 người (3.053 giáo viên); kế hoạch biên chế sự nghiệp giáo dục năm học 2023 - 2024 cho cấp học này là 4.293 người (3.563 giáo viên).
Giáo viên mầm non ở một trường mầm non công lập tại TP Quy Nhơn. Ảnh: M.H
Đó mới chỉ là biên chế giáo viên cần bố trí của các cơ sở tính theo định mức của Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, Thông tư số 16/2017/TTLT/TT-BGDĐT. Trên thực tế, tình trạng thiếu giáo viên ở bậc mầm non diễn ra khá phổ biến, ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Một trưởng phòng GD&ĐT cho biết, thiếu như vậy, nhưng giáo viên mầm non là ngành đang rất khó tuyển dụng ở các kỳ tuyển dụng viên chức cho ngành GD&ĐT vài năm gần đây do điều kiện làm việc và chính sách kém hấp dẫn.
Cô Hoàng Thị Thanh H., có trình độ đại học ngành mầm non, mới được nhận vào làm việc tại một trường mầm non công lập ở địa bàn huyện phía Bắc tỉnh cho hay, mức lương làm việc của chị khởi điểm chưa tới 4 triệu đồng/tháng. Lớp của cô có 25 trẻ, 2 cô cùng phụ trách. Thời gian làm việc mỗi ngày liên tục từ 6 giờ 30 phút đến 17 giờ; trước giờ làm việc chính thức cô thường phải đến sớm hơn 10 - 15 phút để chuẩn bị đón trẻ. Buổi trưa, giáo viên các bậc học khác thường được nghỉ nhưng giáo viên mầm non lại phải chăm cho trẻ ăn rồi ngủ trưa. Nhiều khi trẻ ăn xong rồi đi ngủ đã quá 12 giờ các cô mới được ăn.
Dù đã biết trước bước chân vào làm việc ở trường mầm non công lập lương khởi điểm là như vậy nhưng nhiều giáo viên vẫn không tránh khỏi sự hụt hẫng. Trong khi đó, người có thâm niên làm việc thì mức thu nhập khá thấp so với tính chất công việc, cường độ làm việc.
Thực tế, thu nhập của giáo viên mầm non công lập từ lâu đã ở mức thấp và cải thiện kém. Thậm chí cùng làm công việc chăm sóc trẻ, nhưng giáo viên ở trường công lại thấp hơn nhiều so với giáo viên mầm non trường tư.
Điều kiện thu nhập chính là căn nguyên khiến cho các cơ sở giáo dục mầm non từ công lập đến tư thục ngày càng khó thu hút giáo viên. Do đó, thông tin Bộ GD&ĐT đang phối hợp Bộ LĐ-TB&XH xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại được giáo viên mầm non chờ mong chủ trương này sớm được thông qua. Khi thuộc nhóm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, giáo viên mầm non sẽ được hưởng thêm nhiều quyền lợi như phụ cấp nghề nặng nhọc, tuổi nghỉ hưu thấp hơn…
Đề xuất này nhận được sự đồng tình bởi đây không phải là sự ưu ái mà là đánh giá đúng những khó khăn, vất vả, nặng nhọc mà giáo viên mầm non đang gặp phải.
HOÀNG ANH