Kết nghĩa, hỗ trợ Vĩnh An xây dựng nông thôn mới
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Ban Dân vận Huyện ủy Tây Sơn phối hợp với 6 hội, đoàn thể tổ chức ký kết nghĩa với 5 làng ở xã Vĩnh An; qua đó huy động nguồn lực, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực giúp Vĩnh An đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Hỗ trợ về vật chất, tinh thần
Theo sự phân công của Ban Dân vận Huyện ủy, ngày 4.4, Hội Nông dân huyện Tây Sơn đã tổ chức lễ kết nghĩa với làng Kon Giọt 2. Kể từ đó, khi có sự kiện hay gặp khó khăn, làng lại mời các cán bộ của Hội Nông dân cùng đến chung vui, chia sẻ, bàn giải pháp tháo gỡ.
Bên cạnh động viên, thăm hỏi, Hội Nông dân huyện còn tuyên truyền cho người dân về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hỗ trợ kiến thức sản xuất, áp dụng KH-KT vào chăn nuôi, trồng trọt giúp đời sống người dân khá hơn.
Hội CTĐ - Hội CCB huyện Tây Sơn bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ ông Đinh Théo, ở làng Xà Tang. Ảnh: Ban Dân vận Huyện ủy Tây Sơn
Điển hình, ngày 24.7, Hội Nông dân huyện và xã đã thành lập Tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi heo đen, với 20 hộ dân trong làng tham gia. Bên cạnh sinh hoạt định kỳ hằng tháng, cán bộ Hội còn “cầm tay chỉ việc” cho các hội viên kiến thức phòng, điều trị các bệnh cho heo; kỹ thuật xây dựng chuồng trại; chế độ ăn… giúp đàn heo phát triển tốt, nâng cao lợi nhuận.
Tham gia tổ hội và được hỗ trợ 4 con heo đen giống trị giá 12 triệu đồng, anh Đinh Văm (SN 1984, ở làng Kon Giọt 2) cho hay, trước đây, anh nuôi heo đen bán thả rông để chúng tự tìm thức ăn, nên dễ bị bệnh, làm suy giảm lượng đàn. “Được cán bộ Hội Nông dân hướng dẫn, tôi đã tự rào một góc vườn gần 30 m2 nuôi tập trung. Bởi, nuôi trong vườn, heo sẽ được cho ăn đầy đủ, tiện chăm sóc, phòng bệnh dễ dàng hơn, đảm bảo vệ sinh môi trường”, anh Văm nói.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn Trần Văn Lượng, thực hiện công tác kết nghĩa với làng Kon Giọt 2, tùy vào tình hình thực tế, Hội đã triển khai nhiều hoạt động trợ giúp cho người dân, như tổ chức 2 lớp đào tạo quản lý dịch hại tổng hợp; tuyên truyền nông dân phân loại xử lý rác thải tại nguồn và tặng 20 thùng rác; xây dựng dự án Quỹ hỗ trợ cho nông dân vay vốn… giúp người dân phát triển kinh tế, thực hiện tốt tiêu chí “Thu nhập”, “Môi trường”.
Tương tự, ngày 7.4, Hội CTĐ - Hội CCB huyện kết nghĩa với làng Xà Tang. Từ đó, 2 đơn vị đã tổ chức các buổi truyền thông phòng chống dịch sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng; phổ biến pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; tầm soát, chẩn đoán một số bệnh tật trước và sau sinh cho bà con dân tộc thiểu số; tổ chức chương trình dinh dưỡng cho trẻ…
Theo ông Đinh Mâu, Trưởng làng Xà Tang, trước đây, bà con trong làng khi đau ốm thường hay vào rừng hái lá, rễ cây về sắc nước uống, không chịu ra Trạm Y tế xã khám, xin thuốc uống, nên bệnh không thuyên giảm. “Từ ngày được các đơn vị kết nghĩa hướng dẫn các biện pháp phòng, chống và điều trị các bệnh thường gặp, bà con đã ý thức hơn trong chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình”, ông Mâu chia sẻ.
Trợ lực xây dựng nông thôn mới
Theo Ban Dân vận Huyện ủy Tây Sơn, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy về việc ký kết hỗ trợ xã Vĩnh An về đích nông thôn mới, theo sự phân công của Ban Dân vận Huyện ủy, Hội CTĐ - Hội CCB huyện, Đoàn Thanh niên, LĐLĐ, Hội LHPN, Hội Nông dân huyện đã tổ chức kết nghĩa với các làng Xà Tang, Kon Mon, Kon Giang, Kon Giọt 1, Kon Giọt 2.
Triển khai công tác kết nghĩa, 6 hội, đoàn thể huyện đã hỗ trợ xây dựng 4 ngôi nhà Đại đoàn kết trị giá 50 triệu đồng/căn; tặng gần 700 suất quà, xe đạp trị giá gần 420 triệu đồng; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; xây dựng các tuyến đường hoa tự quản; vận động người dân giữ vệ sinh môi trường; xây dựng các sân chơi cho thiếu nhi…
Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh An Huỳnh Thanh Sơn cho rằng, được các hội, đoàn thể kết nghĩa đã giúp cho người dân càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. “Đặc biệt là người dân đã có sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, tự thân vươn lên phát triển kinh tế; tham gia các mô hình sản xuất; hiến hàng nghìn mét vuông đất, vườn, cây cối để xã thi công đồng bộ các công trình công cộng… làm thay đổi diện mạo nông thôn của xã”, ông Sơn nhấn mạnh.
Bà Cao Thị Tường Sinh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Huyện ủy Tây Sơn cho biết, để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác kết nghĩa, Ban Dân vận Huyện ủy sẽ hướng dẫn các hội, đoàn thể tăng cường thực hiện các công trình, phần việc cụ thể; tạo cảnh quan môi trường; xây dựng các mô hình kinh tế, có chính sách hỗ trợ và trao sinh kế (tặng con, cây giống) cho người dân, giúp họ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, thực hiện hiệu quả tiêu chí “Thu nhập”, giúp xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (dự kiến vào tháng 9.2023); góp phần đưa huyện Tây Sơn về đích nông thôn mới vào cuối năm nay.
CHƯƠNG HIẾU