Xây dựng lại chính sách thu hút nhân tài, mở rộng đối tượng và chế độ đãi ngộ
(BĐ) - Chiều 23.8, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 07-CTr/TU của Tỉnh ủy (CTHĐ số 07) tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025”.
Các đồng chí: Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CTHĐ số 07; Nguyễn Giờ - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì Hội nghị.
CTHĐ số 07 đề ra các mục tiêu cụ thể: Đào tạo 650 nhân lực sau đại học (ĐH) phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh, trong đó phấn đấu đào tạo ít nhất 10 tiến sĩ; 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện, xã đạt chuẩn chức danh theo quy định; tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng nghề đạt 66%; bình quân giải quyết việc làm cho 30.000 lao động/năm.
Nguồn: BTV
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện chương trình CTHĐ số 07, tỉnh Bình Định đã đào tạo 249 nhân lực sau ĐH, trong đó có 6 tiến sĩ, 10 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 72 thạc sĩ và 161 bác sĩ chuyên khoa cấp I. 100% cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến xã đạt chuẩn chức danh. Năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 60,09%; riêng kết quả giải quyết việc làm chưa đạt khi chỉ tạo việc làm mới cho hơn 28.500 người.
Tỉnh đã rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án cụ thể hóa mục tiêu và nhiệm vụ của CTHĐ số 07. Kịp thời tham mưu ban hành kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng; hướng dẫn thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo; chính sách thu hút, ưu đãi đối với bác sĩ, dược sĩ; chính sách hỗ trợ cán bộ luân chuyển, điều động.
Tuy vậy, Ban Chỉ đạo CTHĐ số 07 thẳng thắn nhìn nhận và phân tích về tình trạng một số cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo một số sở, ban, ngành chưa quan tâm đúng mức cho công tác quy hoạch cán bộ, kết quả và chất lượng quy hoạch chưa cao; nguồn nhân sự quy hoạch cho cấp ủy cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng công chức, viên chức được cử đào tạo trình độ sau ĐH còn hạn chế…
Đặc biệt, chính sách thu hút, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đủ mạnh để thu hút được nhân lực làm việc tại tỉnh. Năm 2022, không có sở, ban, ngành, địa phương nào đăng ký chỉ tiêu thu hút nhân lực trình độ cao; năm 2023 mới có 5 đơn vị đăng ký…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, Trưởng Ban Chỉ đạo CTHĐ số 07, nhấn mạnh tỉnh đang thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, song đang phải đối diện nỗi lo thiếu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, nhân lực khối quản lý đang gặp phải 2 vấn đề là năng lực, trình độ và tinh thần phục vụ; nhân lực cho công tác nghiên cứu, nhân lực phục vụ chuyển đổi số thiếu và yếu…
Vì vậy, đồng chí Phạm Anh Tuấn lưu ý 4 vấn đề phải tập trung trước mắt. Đó là tập trung công tác đào tạo nghề phục vụ cho các dự án của tỉnh. Sở LĐ-TB&XH, Sở KH&ĐT chủ trì, cùng với các sở, ngành liên quan tính toán lực lượng lao động nghề sắp tới có thể đáp ứng được, phương án đào tạo nghề cụ thể.
Trong đào tạo công chức, viên chức, Văn phòng UBND tỉnh và Sở Nội vụ tiếp tục duy trì việc đào tạo kiến thức gắn nhiệm vụ với thực tế và xây dựng bộ tiêu chí văn hóa công sở. “Một trong những vấn đề thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài chính là môi trường làm việc tốt”, Trưởng Ban Chỉ đạo CTHĐ số 07 nhấn mạnh.
Sở KH&ĐT, Sở KH&CN, Sở GD&ĐT xây dựng lại chính sách thu hút nhân tài, mở rộng đối tượng và chế độ đãi ngộ (cơ chế tiền lương, hỗ trợ nhà ở…), phối hợp cùng với chính sách đầu tư cho KH&CN.
Nghiên cứu đề xuất thành lập Viện Nghiên cứu khoa học cơ bản tại Quy Nhơn để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy.
Về lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt quan tâm công tác GD&ĐT. Đồng chí yêu cầu Sở GD&ĐT cùng với đào tạo kiến thức cần quan tâm giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh; đào tạo gắn với thực tế, văn hóa - lịch sử Bình Định; củng cố đội ngũ giáo viên trong sáng hơn, trách nhiệm hơn, vững chuyên môn.
Các cơ sở giáo dục ĐH, cao đẳng mở rộng ngành nghề đào tạo nhân lực, quan tâm nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số; thực hiện “đặt hàng” đào tạo nhân lực cho các trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động ở các cấp, đơn vị…
THU HIỀN