Phục dựng nét văn hóa dân gian chọi gà
Nhằm gìn giữ và phát triển trò chơi chọi gà dân gian đặc trưng của Việt Nam, tạo sân chơi lành mạnh cho người dân, Ban tổ chức Triển lãm và Hội thi Sinh vật cảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2023 quyết định tổ chức Hội thi chọi gà đòn dân gian và nghệ thuật nuôi gà chọi.
Hội thi diễn ra từ ngày 21 - 23.8, thu hút 105 nghệ nhân cả nước đăng ký tham gia; trong đó, có 100 nghệ nhân tham gia phần thi gà chọi đòn dân gian (50 cặp gà chọi), 5 nghệ nhân thi trình diễn kỹ thuật nuôi gà chọi.
Hội chọi gà thu hút đông đảo công chúng đến xem.
Ông Phạm Thanh Việt, Trưởng tiểu ban tổ chức Hội thi chọi gà đòn dân gian và nghệ thuật nuôi gà chọi, cho biết: Hội thi còn có sự góp mặt của một số DN đến từ Thái Lan, Philippines. Các DN đến để giao lưu, tìm hiểu về gà chọi Việt Nam ở cả góc độ văn hóa, đời sống và thị trường của Bình Định nói riêng và cả nước nói chung...
Sân đấu thu nhỏ tại Quảng trường Trung tâm TP Quy Nhơn - nơi tổ chức Hội thi trong 3 ngày luôn chật kín người theo dõi. Phần trình diễn hệ sinh thái kinh tế trong nghệ thuật nuôi gà, như: May trang phục cho gà, cắt tỉa lông gà, đan lồng gà, vẽ tranh, tạc tượng gà chọi; kỹ thuật để nuôi một “chiến kê” qua các phần thi cắt lông, cắt tai, may tai tích cho gà tơ để huấn luyện; thi dán lông, kết lông, cấy lông, giằng mỏ trên, khâu mỏ dưới, làm nước cho gà thi đấu… do các nghệ nhân tiêu biểu trong nước trình diễn đã để lại nhiều ấn tượng đẹp với công chúng mộ điệu nuôi gà chọi và trò chơi chọi gà.
Nghệ nhân Đinh Duy Tiến, ở TX Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) thi kỹ thuật nuôi gà chọi, chia sẻ: “Lần đầu tiên được tham gia Hội thi, tôi rất vui vì được giao lưu, học hỏi nhiều điều thú vị về kỹ thuật nuôi gà chọi từ nhiều nghệ nhân đến từ khắp mọi miền đất nước”. Tham gia thi chọi gà đòn dân gian, nghệ nhân Phạm Tài, ở huyện Tuy Phước, bộc bạch: “Chọi gà là một thú chơi công phu, đòi hỏi người chơi ngoài đam mê còn phải có kiến thức để chăm sóc gà từ lúc nhỏ tới khi giao chiến. Giống gà chọi Bình Định được nhiều nơi ưa chuộng bởi khả năng giao chiến dũng mãnh. Mong rằng, tỉnh mình sẽ tổ chức thêm nhiều hội chọi gà như thế này vào các dịp lễ, tết để công chúng thưởng lãm”.
“Tôi hy vọng rằng nghệ thuật chọi gà, ngành kinh tế nuôi gà chọi ở Bình Định, cũng như ở Việt Nam sẽ phát triển như đất nước Thái Lan, để mở ra hướng hợp tác phát triển kinh tế bền vững”.
Ông Adisak, Giám đốc Công ty Green Animate (Thái Lan)
Còn nghệ nhân Trần Xuân Sơn, ở TX An Nhơn, thổ lộ: “Nuôi được một con gà ra trường đấu rất kỳ công. Để con gà luôn cường tráng, mạnh mẽ, người nuôi ngày nào cũng phải xoa bóp cho chắc da thịt, cho gà đấu luyện, bồi bổ. Chỉ cần lơi lỏng vài ba ngày thôi thì gà sẽ xuống phong độ ngay”.
Chia sẻ tại ngày khai mạc Hội thi, ông Nguyễn Văn Thiện, Phó Chủ tịch Hội SVC Việt Nam, cho biết: “Lãnh đạo tỉnh và Hội SVC Việt Nam tổ chức Hội chọi gà dân gian nhằm từng bước khôi phục nét văn hóa dân gian, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với tỉnh Bình Định. Việc tổ chức Hội chọi gà bài bản trong khuôn khổ Triển lãm, không chỉ tạo sân chơi lành mạnh, còn góp phần mở ra cơ hội phát triển kinh tế nuôi gà chọi ở Bình Định - địa phương vốn nổi tiếng cung cấp được nhiều dòng gà chọi tốt!”.
Chọi gà là nét văn hóa dân gian có từ lâu đời. Tuy vậy, ở một số nơi bị biến tướng thành tệ nạn cờ bạc. Do đó, cùng với việc tham mưu UBND tỉnh khôi phục lại hội chọi gà mang đậm nét văn hóa được tổ chức bài bản trong hoạt động lễ hội, Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh, cho biết: Thời gian tới, ngành Văn hóa sẽ nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học Hội chọi gà dân gian và nghệ thuật nuôi gà chọi ở Bình Định để đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận di sản phi vật thể cấp quốc gia, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, phát triển ngành kinh tế nuôi gà chọi ở tỉnh ta”.
NGỌC NHUẬN - TRỌNG LỢI