Ưu tiên tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh
Đây là một trong những vấn đề quan trọng đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung thực hiện trong những tháng cuối năm. Vấn đề trên được đưa ra tại Hội nghị đánh giá tình hình KT-XH của tỉnh tháng 8, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 9.2023, diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, sáng 24.8.
Quang cảnh Hội nghị đánh giá tình hình KT-XH của tỉnh tháng 8, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 9.2023. Ảnh: T. HIỀN
Báo cáo tình hình KT-XH tháng 8 và 8 tháng năm 2023 của tỉnh, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Hoàng Nghi cho hay, sản xuất nông nghiệp tiếp tục trở thành điểm sáng khi giữ đà tăng trưởng, thể hiện rõ trên các lĩnh vực. Về trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt kết quả rất tích cực, tổng diện tích chuyển đổi đến nay đạt 3.375,7 ha, vượt 27,7% so với kế hoạch cả năm. Giá các sản phẩm chăn nuôi tăng giúp người chăn nuôi yên tâm tái đàn. Đặc biệt, sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi là tín hiệu tốt khi chiếm đến 60% cơ cấu của ngành nông nghiệp.
Nhiều giải pháp vực dậy sản xuất công nghiệp và thu ngân sách
Ngược lại nông nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước… gặp nhiều khó khăn. So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 0,9%; kim ngạch xuất khẩu giảm 12,8%; tổng thu ngân sách giảm 33,5%. Trong khi đó, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm nghẽn của tỉnh…
Trước tình hình khó khăn của sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, Sở Công Thương cho biết sẽ tiếp tục nắm bắt, làm việc với các doanh nghiệp; đồng thời tạo điều kiện cho các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp sớm đi vào hoạt động, tạo giá trị gia tăng và việc làm cho người lao động. Ảnh: M.H
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương cho hay, tới đây Sở Công Thương tiếp tục theo dõi, nắm bắt và phối hợp giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc của DN đầu tư sản xuất công nghiệp; đồng thời, theo dõi tình hình giải quyết các kiến nghị thuộc thẩm quyền của Trung ương. Tăng cường làm việc với các DN theo ngành hàng sản xuất như chế biến đồ gỗ nội, ngoại thất; viên nén gỗ; chế biến thủy sản; thức ăn chăn nuôi; sản xuất hàng may mặc và da giày; vật liệu xây dựng; dược phẩm - hóa chất; sản xuất điện… để tạo thuận lợi nhất cho các DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua công tác xúc tiến thương mại, hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới…; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chuyển hướng vào thị trường trong nước; chia sẻ thông tin về các chương trình khuyến mại của DN đến người tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng nội địa. Đặc biệt, ưu tiên tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho 33 dự án đã đi vào hoạt động trong năm nay phát huy công suất tạo giá trị mới góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, chỉ số IIP so với cùng kỳ. Đồng thời, đôn đốc và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của 15 dự án dự kiến đi vào hoạt động trong 4 tháng còn lại của năm, trong đó có 5 dự án trọng điểm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách cả năm, ngành thuế tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, ý kiến của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai đầy đủ, kịp thời các gói hỗ trợ của Chính phủ cho người dân và DN; đồng thời đẩy mạnh hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động xuất khẩu và dự án đầu tư để DN tiếp cận nhanh nguồn vốn trong điều kiện vốn thiếu hụt hiện nay. Đẩy mạnh và tiếp tục số hóa toàn diện công tác quản lý thuế. Ngành thuế đã lên kế hoạch 6 nhóm thu để chủ động khai thác nguồn dư địa bù đắp các nguồn thiếu hụt: Thu từ kinh doanh số, thương mại điện tử; thu về ăn uống, giải khát, lưu trú và du lịch; thu về các khoản phân bổ, khai thay, nộp thay đối với khoản thưởng, chiết khấu theo Thông tư 40; tài nguyên khoáng sản, xây dựng cơ bản, đặc biệt xây dựng cơ bản đối với vốn đầu tư công; thu từ cảnh báo, kiểm tra tại trụ sở DN; thu từ nguồn chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng vốn trong DN.
Tạo điều kiện hết cỡ cho dự án đầu tư sản xuất công nghiệp
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho hay trên 3 lĩnh vực chính của tỉnh ghi nhận có sự tăng trưởng, dù còn nhiều khó khăn. Trên cơ sở đó, Chủ tịch yêu cầu điều quan trọng với lĩnh vực nông nghiệp là phải thực hiện cho được 4 dự án đầu tư chế biến sâu về nông nghiệp. 3 vấn đề quan trọng cần lưu ý tập trung là chuyển đổi cây trồng, vật nuôi vừa tăng giá trị sản xuất của ngành vừa đáp ứng nhu cầu nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến; tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, phòng ngừa cháy rừng; kiên quyết phòng, chống vi phạm IUU.
Tiếp tục thay đổi lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành chính
“Tất cả sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục thay đổi lề lối làm việc, văn hóa công sở và cải cách thủ tục hành chính, đây là việc rất quan trọng. Thực hiện tốt 5 chỉ tiêu của Đề án 06; Sở TT&TT và các địa phương rà soát các trang thiết bị, hệ thống hạ tầng CNTT từ huyện đến xã thông suốt. Các địa phương tuân thủ việc cập nhật cơ sở dữ liệu hằng tháng. Phải làm thật, không có chuyện nói một đằng làm một nẻo!
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn
“Đặc biệt trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, lưu ý tạo điều kiện hết cỡ cho các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp đưa vào vận hành, hoạt động, tạo giá trị gia tăng và việc làm cho người lao động; rà soát đẩy nhanh tiến độ các dự án đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng thấp nhất là 4%. Từ giờ đến cuối năm, các sở, ban, ngành, địa phương ưu tiên cho các hoạt động sản xuất để đảm bảo tăng trưởng và xuất khẩu tốt”, Chủ tịch Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết chuyển nguồn dự án, địa phương không thể thực hiện được để báo cáo HĐND tỉnh ở kỳ họp tháng 9.2023. Các ngành, địa phương tổng rà soát, đôn đốc các DN đầu tư tập trung giải ngân, thường xuyên cập nhật và nhắc nhở, đồng thời gỡ vướng cho DN.
Đối với thu ngân sách nhà nước, riêng khoản thu từ nguồn sử dụng đất, các ngành, đơn vị rà từng DN, quyết tâm thực hiện. Tương tự như vậy, các địa phương cũng phải làm rốt ráo, cụ thể các khoản thu, số thu, khi nào, bao giờ có… Sở Tài chính xem lại định mức chi tiêu ở cấp xã để báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về tăng định mức chi tiêu hợp lý cho cấp xã hoạt động.
Trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động du lịch, lưu ý du lịch xanh - sạch và ý thức, thái độ của người dân với khách du lịch.
Nguồn: BTV
Quan tâm đến lĩnh vực môi trường, người đứng đầu chính quyền tỉnh đề nghị ngành TN&MT và các địa phương quản lý tốt thu gom, xử lý rác thải, chất thải. Tỉnh cũng đang xúc tiến các dự án để xử lý nước thải cho một số địa phương lớn như Quy Nhơn, An Nhơn, Hoài Nhơn…
Chuẩn bị chu đáo các hoạt động văn hóa - xã hội
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang yêu cầu Sở GD&ĐT chuẩn bị chu đáo cho năm học mới 2023 - 2024. Sở VH-TT tập trung công tác triển khai Ngày hội VH-TT các dân tộc, dự kiến khai mạc ngày 8.9; xây dựng kế hoạch tổ chức liên hoan cồng chiêng tỉnh Bình Định lần thứ 2.
Sở Du lịch tập trung xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động về du lịch, nhiệm vụ còn lại hết sức nặng nề. Đặc biệt, TP Quy Nhơn xây dựng sản phẩm du lịch đêm một cách bài bản, có đổi mới, nhất là tuyến du lịch Xuân Diệu và bãi biển Quy Nhơn.
Sở Y tế tăng cường công tác phòng chống dịch, nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh. Đặc biệt, phối hợp với các ngành rà soát, hoàn thiện quy trình đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế, bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời yêu cầu công tác khám chữa bệnh; đánh giá lại việc bác sĩ đã nhận chế độ ưu đãi chính sách thu hút rồi nhưng chấp nhận đền bù cho ngân sách nhà nước để xin… nghỉ việc.
MAI HOÀNG