Viêm não cấp: Diễn tiến nhanh, hậu quả lớn
Trong các bệnh do vi-rút gây ra ở trẻ em, viêm não cấp được đánh giá là có diễn tiến rất nhanh, dễ dẫn tới những biến chứng nặng nề. Những cơn sốt bất chợt tưởng chừng đơn giản, nhưng có thể nhanh chóng dẫn đến trụy mạch, tử vong.
Theo số liệu tổng hợp của khoa Nhi, BVĐK tỉnh, từ đầu năm 2014 đến nay, khoa đã tiếp nhận và điều trị cho 7 trường hợp bị viêm não cấp. Số ca bệnh rải đều ở các địa phương: Phù Mỹ (2 ca), Quy Nhơn, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, Hoài Ân (mỗi địa phương 1 ca). Đáng chú ý, lượng bệnh nhân tăng đột ngột từ đầu tháng 7 đến nay với 5 ca.
Biến chứng nặng nề
Phòng cấp cứu khoa Nhi sáng 12.8 khá vắng vẻ. Thế nhưng, công việc của các điều dưỡng không vì thế mà nhẹ nhàng hơn. Bởi, chỉ riêng bệnh nhân P.T.M.H (14 tuổi, ở xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn), mỗi lần thông đờm phải cần đến 2 điều dưỡng. H. hôn mê sâu, nằm bất động trên giường bệnh, phải thở bằng máy.
Đến giờ, sau 10 ngày con nằm viện, chị P.T.L. vẫn chưa hoàn hồn. Nỗi bất an vẫn còn nguyên vẹn trong từng lời kể của người công nhân gỗ khắc khổ: “Ngày 1.8, bé H. bắt đầu sốt, nôn mửa. Tui mua thuốc hạ sốt cho con uống, rồi đi làm. Thấy người con lúc nóng lúc lạnh, hôm sau tui đưa bé đến người y tá gần nhà truyền nước, tiêm thuốc. Cứ tưởng rồi nó sẽ đỡ, nên tui vẫn cố đi làm, ai ngờ…”. Ai ngờ, đến nửa buổi, người nhà gọi điện báo H. đã sốt trên 400C, có dấu hiệu hôn mê. Chị sấp ngửa về cho con nhập viện.
Điều trị tại BVĐK khu vực Bồng Sơn 2 ngày, bé H. vẫn sốt rất cao, mệt mỏi, hỏi gì cũng không nghe không biết. Thêm nữa, nửa người bên trái cứ yếu dần, hai mắt chỉ dán vào một điểm nhìn bên phải. H. được đưa vào BVĐK tỉnh lúc nửa đêm 4.8, với chẩn đoán viêm não cấp nghi do vi-rút viêm não Nhật Bản B. Em được truyền dịch, nuôi dưỡng, cho thở oxi, dùng kháng sinh để chống bội nhiễm phổi. Nhưng do không có thuốc đặc hiệu khống chế vi-rút, nên 2 ngày sau, H. trở nặng hơn, bắt đầu thở bằng máy.
Phó trưởng khoa Nhi Phạm Văn Dũng chia sẻ, với trường hợp phải thở máy kéo dài như bé H., rất khó tránh khỏi những biến chứng nặng nề. Trên thực tế, đa số trẻ bị viêm não cấp nặng đều có di chứng. Bé B.T.H.N (13 tuổi, ở phường Đập Đá, thị xã An Nhơn), bị viêm não cấp hơn 1 năm trước. N. đang được điều trị tại khoa Nhi với di chứng rối loạn tâm thần, không muốn ăn, mắt đờ đẫn, thờ ơ với môi trường xung quanh. Hay như trường hợp bé Đ.N.V.H (3 tuổi, ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) bị viêm não cấp cách đây 3 tháng. Sau khi điều trị 1 tuần tại BVĐK tỉnh, gia đình đưa H. vào Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh). Được hơn 1 tháng, H. lại được đưa về Quy Nhơn để điều trị phục hồi chức năng. Ngày 25.7, H. trở sốt, viêm phổi nên phải nhập viện. Em bị tăng trương lực cơ nặng, tay chân thường xuyên tự vặn vẹo.
Người lớn phải cảnh giác
Theo bác sĩ Phạm Văn Dũng, triệu chứng ban đầu của viêm não cấp là sốt cao, đau đầu, nôn mửa, co giật, rối loạn tri giác, có thể liệt tay chân hoặc nửa người. Triệu chứng nặng là rối loạn nhịp thở, trụy mạch. “Diễn tiến của bệnh rất nhanh, khó lường. Có những trường hợp viêm não tối cấp không được điều trị kịp thời, não bị tổn thương vùng trung ương thì chỉ trong vòng 24-48 tiếng trẻ đã tử vong”, bác sĩ Dũng cho biết.
Điều đáng nói là không ít phụ huynh vẫn chủ quan, nghĩ con bị sốt thông thường, không đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời. Bác sĩ Dũng nhấn mạnh, khi tổn thương vùng não nghiêm trọng, việc điều trị là vô cùng khó khăn, dễ để lại di chứng nặng nề.
Với viêm não cấp, vì chưa có thuốc đặc trị nên bệnh nhân được điều trị triệu chứng là chủ yếu. Bệnh nhân được dùng thuốc hạ sốt, thuốc an thần để chống co giật, thuốc mannitol chống phù não. Trường hợp nặng sẽ được trợ thở, dùng thuốc vận mạch khi trụy mạch. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có chế độ dinh dưỡng đặc biệt để nâng cao sức đề kháng, luôn nằm kê cao đầu, chú ý chăm sóc chống lở loét do nằm dài ngày. Đồng thời, phối hợp với vật lý trị liệu khi điều kiện cho phép để tăng khả năng phục hồi chức năng vận động.
Bác sĩ Dũng cũng cho hay, nguyên nhân hàng đầu gây viêm não cấp là vi-rút viêm não Nhật Bản B (chiếm hơn 50%); kế đến là vi-rút Herpes và một số loại vi-rút khác. Mầm bệnh viêm não Nhật Bản B có ở lợn và các loài chim di trú; muỗi là vật trung gian đưa vi-rút vào cơ thể người. Để phòng bệnh, biện pháp tốt nhất là tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản (đã được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia). Bên cạnh đó, cần ngăn ngừa muỗi đốt, không cho trẻ đến gần các bụi rậm lúc chiều tối. Khi cần ra ngoài, nên mặc quần áo dài cho trẻ. Chuồng lợn nên xây cách xa nhà.
NGUYỄN VĂN TRANG