Vụ lúa Hè Thu thắng lợi lớn
Hiện các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương thu hoạch lúa vụ Hè Thu để đề phòng có mưa bất chợt, đồng thời sớm chuẩn bị cho vụ Ðông Xuân 2023 - 2024. Theo đánh giá sơ bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), vụ Hè Thu năm nay thắng lợi lớn khi tăng cả về năng suất và sản lượng, nông sản bán được với giá tốt, bà con nông dân rất phấn khởi.
Ðược mùa, được giá
Theo thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, vụ Hè Thu năm nay toàn tỉnh gieo trồng 41.545 ha lúa. Tính đến nay, nông dân đã thu hoạch 34.442 ha, dự kiến đến cuối tháng 8 này sẽ hoàn tất việc thu hoạch; năng suất ước đạt 67,8 tạ/ha, tăng 2 tạ/ha so với năm ngoái. Một số địa phương như Tuy Phước, Hoài Nhơn, Hoài Ân…, năng suất đạt trên 70 tạ/ha. Hiện nay lúa (phơi 1 nắng sau gặt) có giá 8.500 đồng/kg, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ðược mùa lại được giá là niềm vui lớn của nông dân Bình Ðịnh khi thu hoạch lúa Hè Thu.
Ðược ví như vựa lúa của Bình Ðịnh, huyện Tuy Phước đang dẫn đầu cả tỉnh về diện tích sản xuất, các cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu lớn và liên kết. Ðến nay, nông dân huyện thu hoạch được 4.875/7.135 ha lúa vụ Hè Thu; năng suất ước đạt 70 tạ/ha, tăng 2,6 tạ/ha so với năm ngoái.
Ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho hay: Vụ Hè Thu năm nay năng suất tăng cao đều khắp trong huyện, đặc biệt là giá bán cũng tốt hơn, bà con phấn khởi lắm. Hiện, thời tiết rất tốt để gặt lúa nên chúng tôi đang động viên bà con khẩn trương thu hoạch xong thật sớm, tránh những cơn mưa bất chợt có thể làm giảm chất lượng lúa. Như thế sẽ có thời gian thong thả để chuẩn bị cho vụ Ðông Xuân.
Huyện Hoài Ân ghi nhận một vụ Hè Thu thắng lợi lớn với năng suất lúa đạt 70,9 tạ/ha, tăng 1,6 tạ/ha so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, nhờ thời tiết thuận lợi, nông dân tuân thủ lịch thời vụ, sử dụng các bộ giống phù hợp… là các yếu tố góp phần làm nên thắng lợi lớn của vụ Hè Thu năm nay. Hiện nay toàn huyện Hoài Ân thu hoạch được 3.336/3.590 ha.
Vụ Hè Thu năm 2023 đạt về năng suất và sản lượng. Ảnh: THU DỊU
Các mô hình chuyển giao kỹ thuật thành công
Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thắng lợi của vụ Hè Thu năm nay cho thấy quyết định điều chỉnh lịch thời vụ theo hướng đôn lên sớm hơn của tỉnh là rất chính xác. Nhờ vậy mà quá trình sản xuất có thêm nhiều thuận lợi. Vụ Hè Thu này, gần như toàn bộ diện tích canh tác lúa của tỉnh được cấp đủ nước tưới, thời tiết không có biến động nào bất lợi, sâu bệnh hại phát sinh ít, cây lúa sinh trưởng và phát triển nhanh. Cùng với đó, việc tổ chức các mô hình canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu như canh tác lúa sạ cụm theo hướng hữu cơ áp dụng quy trình SRI, canh tác lúa theo hướng giảm thiểu chi phí đầu vào, tăng thu nhập cho người dân, phát huy tác dụng tích cực.
Theo ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTXNN Nhơn Thọ 2 (xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn), vụ Hè Thu năm nay thuận lợi về mọi mặt. Hiện nay, HTX đã huy động máy móc, nhân lực tập trung thu hoạch. Thuận lợi lớn của HTX là tổ chức sản xuất liên kết, ứng dụng kỹ thuật sạ cụm kết hợp với quy trình SRI, giảm tối đa chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận cho nông dân.
Thu hoạch lúa vụ Hè Thu năm 2023 tại huyện Tuy Phước. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Tham gia mô hình canh tác lúa theo hướng giảm chi phí đầu vào do Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ thực hiện, nhiều nông dân ở TX An Nhơn tỏ ra rất “hít” ngay ở lần đầu áp dụng do nhận ra nhiều ưu điểm vượt trội.
Ông Trần Văn Minh, nông dân ở xã Nhơn An (TX An Nhơn) kể: Thực tế sản xuất cho thấy mô hình này mang lại rất nhiều lợi ích, lại không quá khó áp dụng. Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp, giá giống tăng cao, việc áp dụng kỹ thuật đồng bộ, cơ giới hóa trong sản xuất giúp bà con nông dân chúng tôi tiết kiệm chi phí đầu tư rất nhiều. Sản xuất theo hướng giảm thuốc bảo vệ thực vật vô cơ, dùng nhiều phân bón hữu cơ còn giúp sản phẩm đạt chất lượng cao hơn, dễ bán và bán được với giá tốt hơn. Nói chung là lợi đủ bề.
Ông Nguyễn Ðức Thọ, Trưởng bộ môn Chuyển giao công nghệ & Khuyến nông (Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ), cho hay, vụ Hè Thu năm nay, Viện phối hợp với các huyện Tây Sơn, Hoài Ân và TX An Nhơn, Hoài Nhơn triển khai thí điểm mô hình canh tác lúa theo hướng giảm chi phí đầu vào. Theo đó, Viện đã chuyển giao toàn bộ kỹ thuật và công nghệ; áp dụng đồng bộ các giải pháp KHKT, công nghệ trong canh tác như giống mới, sạ cụm, giảm mật độ sạ, giảm giống và tận dụng các phế phụ phẩm làm phân bón, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vô cơ…; ước tính mô hình này giúp giảm khoảng 15% chi phí đầu vào và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Vụ sản xuất này coi như đã thắng lớn nhưng để có thể đánh giá toàn diện, khoa học hơn, trong vụ Ðông Xuân 2023 - 2024, Viện tiếp tục triển khai ở các địa phương này, đồng thời để tính toán để có thể mở rộng thêm .
“Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật rà soát tất cả diện tích sản xuất vụ Hè Thu, hướng dẫn tổ chức sản xuất vụ Mùa ở những nơi thích hợp. Ðồng thời, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, đặc biệt là tập trung chuyển từ sản xuất 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa/năm. Riêng vụ Mùa năm 2023, toàn tỉnh gieo sạ 3.551 ha, trong đó gieo sạ nước là 1.816 ha, sạ khô 1.735 ha, lúa đang ở thời kỳ làm đòng. Trên lúa vụ Mùa thường xuất hiện tình trạng sâu đục thân gây hại, do vậy Chi cục khuyến cáo bà con nông dân tập trung kiểm tra, phòng ngừa”.
Ông KIỀU VĂN CANG
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật
THU DỊU