Trong nỗi nhớ tò he
Tản văn của THANH THỦY
“Tò he mỗi cái một đồng/ Em mua một cái cho chồng em chơi/ Chồng em đánh hỏng thì thôi/ Em mua cái khác em chơi một mình”, thế hệ 8X chúng tôi - sống ở gần với ruộng lúa gió đồng không lạ gì câu ca này, lại càng không lạ lẫm gì những con tò he xanh đỏ tím vàng.
Thủa thiếu thời, tôi vẫn nhìn thấy chúng được treo lủng lẳng trên xe của các cô, các chú đứng bán trước cổng trường vào gần giờ tan học hoặc được bày đầy trong mẹt mỗi lần theo mẹ đi chợ. Tôi thích những con tò he vì màu sắc và cả những hình thù thú vật ngộ nghĩnh như rồng, phượng, hổ…: các nhân vật hoạt hình như công chúa, nàng Bạch Tuyết... Ngoài màu sắc rực rỡ, tôi còn thích thú với mùi thơm tự nhiên từ bột tới nguyên liệu màu. Có cả những con tò he được khoét lỗ, áp miệng vào thổi nghe rất vui tai. Chúng tôi dăm ba đứa mua những con tò he khác nhau rồi cùng góp bày trò chơi chung. Chơi chán lại đem tò he vào hấp cơm hoặc cho vào bếp củi lùi tro rồi phủi, ăn ngon lành…
Khi chúng tôi lớn lên một chút, bắt đầu bỏ qua các trò chơi nhảy chuông, đánh nẻ… thì cũng chẳng nhớ tự bao giờ, những con tò he dần lặng lẽ biến mất. Thú nhồi bông đủ kích thước ra đời rồi các loại búp bê, xe hơi được làm bằng đủ các thứ vật liệu xuất hiện, nhất là sự phát triển của thế giới điện tử, điện thoại di động… lập tức hấp dẫn trẻ con khiến các loại đồ chơi thủ công nhanh chóng bị xếp xó rồi biến mất khỏi đời sống.
Mãi đến ngày gần đây, khi con gái tôi đã vào trường tiểu học, một lần đi đón cháu, tôi chợt nhận ra hình ảnh quen thuộc cũ: Một chị bán tò he với lủng lẳng các con vật đủ màu sắc treo ở đầu xe đứng trước cổng trường. Ngạc nhiên, lạ lẫm, tôi đến bên chị và bất giác chầm chậm đưa tay sờ lên từng con tò he xanh đỏ. Ký ức xưa lại ùa về và tôi đã không do dự mua cả chục con tò he đủ màu.
Tranh của họa sĩ NGUYỄN QUANG QUÝ
Gặp lại tò he là một bất ngờ. Nhưng còn bất ngờ hơn là con gái tôi lại thích thú cái món đồ chơi trông ngồ ngộ ấy. Nỗi bất ngờ ấy khiến tôi chợt tò mò và hôm sau quay lại trò chuyện với chị bán tò he.
Chị kể, chị tên Nguyệt, quê ở chợ Cây Bông thuộc xã Nhơn Khánh, TX An Nhơn. lập gia đình, về Quy Nhơn làm dâu, chị vẫn giữ nghề làm tò he của gia đình. Chị đọc cho tôi nghe bài đồng dao mà tôi thuộc lòng từ ấu thơ, sang câu thứ hai thì tôi cũng hòa điệu. “Tò he mỗi cái một đồng/ Em mua một cái cho chồng em chơi / Chồng em đánh hỏng thì thôi / Em mua cái khác em chơi một mình”… Rồi chị bảo, từ khi tò he chỉ một đồng giờ đã là ba đến năm nghìn đồng tùy con, tùy loại đủ biết nghề làm tò he đã lâu đời đến biết chừng nào. Với riêng chị, thâm niên làm tò he cũng đã gần bằng tuổi chị, chí ít cũng hơn bốn chục năm trời! Thâm niên đó cộng với đôi tay tài hoa, khéo léo chị đã cho ra đời hàng triệu con tò he xinh đẹp để làm vui cho con trẻ. Chị kể, từng xuôi Nam ngược Bắc với chiếc xe tò he đi khắp nẻo quê ra thành phố; đến các khu chợ, góc trường. Tò he chị bán từ thời chỉ một vài trăm đồng giờ đã là năm ngàn đồng! Nhờ sự bền bỉ, chịu khó với nghề làm và bán tò he mà dù chồng đã mất sớm, chị vẫn tích góp nuôi ba con ăn học, trưởng thành…
Theo chị, ban đầu tò he là sản phẩm để cúng lễ sau dần thành đổ chơi cho con trẻ. Cũng vì thế mà tò he còn có tên gọi khác là “đồ chơi chim cò”. Nguyên liệu làm tò he xa xưa là gạo nếp, đem ngâm nước, xay giã thành bột rồi nhào kỹ cho đến khi không dính tay mới nắm thành những nắm nhỏ, đem luộc chín và “đấu” màu trước khi nặn hình. Màu sắc dùng để nhuộm bột là các loại lá cây, rau củ ăn được. Chẳng hạn như màu đỏ từ quả gấc, màu đen từ cây lọ nồi, màu xanh từ lá trầu không, lá gai, lá riềng. Để màu sắc tự nhiên, tươi tắn, giữ lâu vẫn đẹp, đòi hỏi kỹ thuật pha màu phải chuẩn. Khâu làm bột, nhuộm màu công phu sẽ cho ra sản phẩm có màu sắc tươi đẹp, bóng mượt. riêng chị, giờ dùng nguyên liệu là bột mì nhứt bởi “độ dẻo từ bột mì cũng không thua kém bột gạo nếp lại tiện lợi hơn”.
“Yêu nghề thì nghề không phụ, sự tỉ mẩn về công sức cho thu nhập một hai trăm nghìn mỗi ngày cũng đầy khó khăn, bởi tò he đã trở thành món quà xa lạ và không còn hấp dẫn với phần đông trẻ em giữa muôn hồng ngàn tía các đồ chơi điện tử khác”, chị Nguyệt băn khoăn.