Luôn sẵn sàng vì cộng đồng
Không kể miền núi, hải đảo hay nước bạn xa xôi, BS.CKI Ðặng Tuấn Hải (SN 1988, công tác tại Khoa Ngoại Tiết niệu, là Bí thư Ðoàn Thanh niên BVÐK tỉnh) vẫn hăng hái khám chữa bệnh cho người dân, xông xáo vận động nhà hảo tâm, tự tay chuẩn bị quà tặng cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Không sợ khó, sợ khổ
Với anh Hải, tuổi trẻ là để trải nghiệm, học hỏi thông qua những hoạt động, chuyến đi. Bởi vậy, anh sẵn sàng xung phong tham gia ngay khi có cơ hội. Khó khăn, vất vả chưa bao giờ là điều mà anh để tâm.
Anh Hải (giữa) tại chương trình biểu dương Gương thanh niên tiên tiến “Làm theo lời Bác năm 2022” do Đoàn Khối các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên tổ chức. Ảnh: NVCC
· Theo anh, đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những chuyến tình nguyện?
- Có lẽ là hoạt động khám bệnh, phát thuốc tại làng O2 (xã Vĩnh Kim, Vĩnh Thạnh). Nơi này nằm lọt thỏm giữa địa hình trắc trở, xa xôi nên đoàn công tác đã leo núi gần 4 tiếng đồng hồ, mang theo vật dụng, quà tặng từ miền xuôi lên tặng đồng bào dân tộc thiểu số. Vất vả là vậy nhưng không ai nản lòng, bởi ngoài thực hiện công tác chuyên môn, chúng tôi còn muốn hiểu thêm về đời sống của người dân nơi đây - nơi điện, sóng điện thoại còn quá đỗi xa lạ.
Có lẽ vì điều kiện sống còn khó khăn nên khi được chúng tôi ghé thăm, người dân rất phấn khởi, vui vẻ đón nhận. Đó là điểm thuận lợi để tôi cùng các y, bác sĩ truyền đạt một số kiến thức về y học hiện đại, góp phần giúp người dân chăm sóc sức khỏe tốt hơn, giảm dần việc nhờ thầy mo, thầy cúng để chữa bệnh.
· Được biết, anh là trưởng đoàn công tác gồm 25 bác sĩ trẻ của tỉnh tình nguyện hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch Covid-19 vào năm 2020. Khi đó, tâm trạng của anh thế nào khi xa gia đình, trực tiếp đối đầu với dịch?
- Lo lắng là điều tất yếu, tuy nhiên, ý thức được trách nhiệm của ngành nghề cùng khát khao chia sẻ khó khăn với người dân, tôi cùng các bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia chuyến đi ấy.
Mang theo sự kỳ vọng của đồng nghiệp, tin tưởng của người dân và niềm trông ngóng của gia đình, chúng tôi dặn dò, động viên nhau chiến đấu đến cùng với dịch. Dù có lúc đương đầu với nguy hiểm, kiệt sức, mệt mỏi… nhưng chúng tôi vẫn cố gắng cùng lực lượng y tế địa phương hỗ trợ người dân Đà Nẵng và cố gắng giữ bản thân được an toàn. Khi ấy, ai cũng tràn đầy quyết tâm với tinh thần “hết dịch mới trở về”.
Chu toàn mọi chuyến đi
Trước mỗi chuyến đi, người bác sĩ trẻ luôn chuẩn bị hành trang rất chu đáo. Ngoài vật dụng phục vụ công việc, anh còn mang theo những món quà nhỏ với mong muốn người dân có thêm niềm vui vì được quan tâm, chia sẻ.
· Việc khám bệnh tại vùng sâu, vùng xa có đặc thù ra sao, thưa anh? Để công tác này diễn ra thuận lợi, cần sự chuẩn bị thế nào?
- Khám chữa bệnh tình nguyện tại vùng sâu, vùng xa có mục tiêu là giúp người dân chẩn đoán và điều trị những bệnh thông thường, hay gặp như: Cảm sốt, đau dạ dày, tăng huyết áp, viêm khớp… và tầm soát những bệnh lý nặng, cần can thiệp điều trị chuyên khoa. Điều này khác biệt với việc khám tại bệnh viện - nơi được trang bị đầy đủ từ phương tiện để chẩn đoán như xét nghiệm, siêu âm, CT-scaner, MRI… đến thuốc men, vật tư thiết bị, máy móc… để điều trị.
Những năm gần đây, tôi đã mang theo máy siêu âm xách tay trong các hoạt động khám bệnh ở các địa phương điều kiện còn hạn chế, giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn, từ đó đưa ra những hướng điều trị phù hợp nhất.
· Ngoài khám bệnh, được biết, anh còn vận động thêm nhiều phần quà gửi tận tay người dân trong mỗi chuyến đi…
- Vì nguồn kinh phí từ tổ chức Đoàn còn hạn chế, để các chương trình tình nguyện đạt được mục tiêu quan trọng nhất là mang lại lợi ích cho người dân, vận động nguồn lực là việc tôi nên làm.
Một số thành tích anh Đặng Tuấn Hải đạt được: Bằng khen “Cán bộ Đoàn tiêu biểu toàn quốc đạt Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2023” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng; Gương thanh niên tiên tiến “Làm theo lời Bác năm 2022” do Đoàn Khối các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên biểu dương…
Tôi thấy may mắn lớn nhất của mình là công tác trong ngành y tế và gặp gỡ một số nhà hảo tâm cùng chung chí hướng mang lại lợi ích cho người dân. Do đó, khi đề cập đến việc đem quà lên miền núi hay tổ chức các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội và ngỏ lời thì đều được các anh chị hỗ trợ rất nhiệt tình.
Chính vì vậy, dù đi xa đến đâu, tôi cũng cố gắng sắp xếp gọn hành trang, mang theo nhiều phần quà nhất có thể để người dân không chỉ được khám, phát thuốc mà còn cảm nhận được sự quan tâm của những đoàn viên trẻ chúng tôi.
Lá cờ đầu đầy nhiệt huyết
Giữ vai trò “đầu tàu” trong CLB Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn Thanh niên BVĐK tỉnh, anh Hải luôn chú ý nêu gương và động viên ĐVTN tại cơ quan, đồng nghiệp trong CLB phấn đấu, phối hợp nhuần nhuyễn giữa công việc chuyên môn với công tác Đoàn.
· Anh có bí quyết gì để thúc đẩy mọi người vừa rèn luyện chuyên môn, vừa thể hiện năng lực công tác đoàn?
- Với vai trò Chủ nhiệm CLB Thầy thuốc trẻ tỉnh, nhằm phát huy vai trò chuyên môn trong công tác Đoàn, Hội và từ thực tế bản thân, tôi luôn khuyến khích các y, bác sĩ tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Thông qua những chuyến đi, mỗi người đều sẽ có trải nghiệm mới, kiến thức mới mà khi ngồi trên ghế nhà trường không thể có được.
Ngoài ra, tôi luôn nhắc nhở các thành viên cần không ngừng học hỏi, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ để tự tin khám, chẩn đoán bệnh cho người dân; đóng góp nhiều ý kiến giúp ích cho công tác trên; đồng thời chủ động sắp xếp thời gian để cân bằng giữa nhiệm vụ chuyên môn và hoạt động của CLB.
Chẳng hạn, nếu muốn tham gia các hoạt động thiện nguyện, tôi sẽ chủ động xin đổi trực, làm bù vào những ngày khác để không ảnh hưởng công tác chuyên môn mà vẫn đồng hành với màu áo Đoàn.
· Tham gia công tác Đoàn, tổ chức các hoạt động thiện nguyện nói thì đơn giản nhưng làm đạt hiệu quả, thiết thực không hề dễ?
- Để mọi người tin tưởng, đoàn kết thực hiện công tác Đoàn hiệu quả, sẵn sàng “đi đầu” tham gia những hoạt động, chương trình, mình cần nhiều sự chuẩn bị và linh động trong giải quyết vấn đề. Chẳng hạn, trong chuyến đi tình nguyện quốc tế tại tỉnh Champasak (nước CHDCND Lào) mới đây, rào cản lớn nhất là ngôn ngữ khiến việc khám bệnh khá khó khăn. Nhờ sự quen biết từ những lần cùng tham gia hoạt động trước đó, tôi cùng các thành viên trong đoàn đã nhanh chóng nhờ các bác sĩ, dược sĩ nước bạn từng có thời gian học tập tại Bình Định dịch giúp, đảm bảo việc khám và tặng thuốc diễn ra suôn sẻ, thuận lợi.
Anh Hải (giữa) tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Champasak cuối tháng 7 vừa qua. Ảnh: NVCC
Song song với áp dụng kiến thức chuyên môn vào công tác Đoàn, Hội, tôi cùng ĐVTN cơ quan luôn chú trọng nhu cầu của người dân khi thực hiện từng chương trình an sinh xã hội. Trong đó, các hoạt động thường niên mà Đoàn Thanh niên BVĐK tỉnh triển khai là: Tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi; nhận đỡ đầu trẻ mồ côi, không nơi nương tựa; hiến máu tình nguyện; tặng các công trình thanh niên đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân địa phương…
· Cảm ơn anh! Chúc anh hoàn thành các mục tiêu, dự định trong tương lai trên cương vị bác sĩ lẫn đoàn viên nhiệt huyết!
DƯƠNG LINH (Thực hiện)