BÀI DỰ THI “BÌNH ĐỊNH - ĐẤT VÀ NGƯỜI”
Vọng vang tráng ca Núi Bụt
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Bình Ðịnh là chiến trường nóng bỏng và ác liệt ở khu vực Nam Trung bộ. Ðể góp phần giành thắng lợi, cùng với lòng dũng cảm, kiên cường, quân dân Bình Ðịnh còn khôn khéo, sáng tạo trong đánh địch, hệ thống địa đạo Núi Bụt, xã Ân Phong, huyện Hoài Ân là một ví dụ. Người viết đã tham gia làm hồ sơ cho di tích này và không chỉ trong những ngày ấy mà cả đến giờ vẫn còn xúc động.
Đánh vào nơi địch phòng thủ mạnh nhất
Đầu năm 1964, sau thất bại kế hoạch Staley-Taylor, Mỹ - Ngụy đẩy mạnh chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, âm mưu “bình định có trọng điểm” một số vùng ở miền Nam trong vòng hai năm 1964 - 1965 và tỉnh Bình Định nằm trong vùng trọng điểm của địch. Ở Hoài Ân, đầu năm 1965 địch lấy đồi Đất Đỏ, thôn Ân Hậu, xã Ân Phong xây dựng Chi khu quận lỵ. Sau đó, phát hoang các đồi núi xung quanh xây dựng hệ thống đồn bốt, tạo thế phòng thủ quanh Chi khu quận lỵ, như đồi Núi Chợ, Núi Một, núi Du Tự… Trong đó, Núi Bụt là chốt điểm hết sức quan trọng.
Cửa hầm phía Tây của địa đạo Núi Bụt bị sạt lở lấp mất một phần. Ảnh: Bảo tàng Bình Định
Núi Bụt là một khu đồi thấp nằm độc lập ở xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Từ đây có thể quan sát các chốt điểm xung quanh như đồi Núi Chợ (Du Tự) ở phía Bắc, cao điểm 322 và 305 (núi Lại Khánh), đồi Không tên (An Hòa) phía Đông, khu vực Xóm Gò (An Chiểu), thôn An Thiện ở phía Nam; Núi Một (An Hậu) phía Tây Nam. Trong năm 1965, Mỹ - Ngụy xây dựng, nâng cấp căn cứ Núi Bụt, biến chốt điểm này thành bức tường chắn phía Đông để bảo vệ khu vực trung tâm, đồng thời làm chỗ dựa tin cậy, củng cố tinh thần bọn ác ôn địa phương chống phá cách mạng. Địch thường xuyên bố trí 1 đại đội bảo an tại căn cứ Núi Bụt, cùng với đó để bảo vệ khu dồn, ấp chiến lược còn có thêm 1 trung đội lính nghĩa quân; hỏa lực của lực lượng này rất hùng hậu có cả súng cối 60 mm, đại liên, trung liên, hệ thống truyền tin PRC-25 và nhiều phương tiện khác.
Năm 1972, quân và dân Bình Định mở chiến dịch Xuân - Hè, nhằm đánh chiếm toàn bộ các chốt điểm xung quanh chi khu quân lỵ và giải phóng huyện Hoài Ân. Từ ngày 9.4, cuộc chiến diễn ra ác liệt, giằng co giữa ta và địch, đến tối 18.4 ta đã làm chủ được các chốt điểm Gò Loi, Núi Một, Truông Sỏi, đồi Chanh… Tại Núi Bụt, du kích Ân Phong được sự yểm trợ của quân chủ lực Trung đoàn 21 và Tiểu đoàn đặc công Sư đoàn 3 đánh chiếm và làm chủ hoàn toàn, góp phần tạo thời cơ thuận lợi cho tiến công đánh chiếm chi khu quận lỵ và giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân ngày 19.4.1972.
Quân dân đồng lòng xây dựng địa đạo Núi Bụt
Sau chiến dịch Xuân - Hè 1972, huyện Hoài Ân được giải phóng, ta làm chủ Núi Bụt. Xác định Núi Bụt có vị trí quan trọng, giữ được Núi Bụt là bảo vệ được cả một vùng giải phóng phía Đông của huyện; đối với xã Ân Phong Núi Bụt gần như nằm ở trung tâm của xã, từ đây có thể quan sát phát hiện địch từ xa, nhằm chủ động chiến đấu chặn địch phản kích ở quy mô lớn. Cho nên, Đảng ủy Sư đoàn 3 Sao Vàng, huyện Hoài Ân và xã Ân Phong chú trọng và khẩn trương lập kế hoạch xây dựng hệ thống phòng ngự tại chốt điểm này.
Đồng chí Lê Huẩn, cán bộ Sư đoàn 3 Sao Vàng về thăm lại địa đạo Núi Bụt, nơi đơn vị từng đóng quân. Ảnh: Bảo tàng Bình Định
Lực lượng chính xây dựng hệ thống phòng ngự là bộ đội chủ lực Sư đoàn 3, địa phương huy động trên 1.000 lượt dân quân du kích xã tham gia, tổ chức đào hệ thống hào dài hơn 1.200 m bao bọc xung quanh Núi Bụt, xen kẽ vào đó, xây dựng trên 20 hầm kèo, hầm chốt quanh sườn đồi, bên trên đỉnh đồi xây dựng hệ thống công sự, ụ chiến đấu, đào những hầm “bò” để đặt súng 12,8 ly, cối 60 mm… tạo ra một hệ thống liên hoàn, tổ chức kháng cự hiệu quả khi địch tấn công bằng bộ binh, xe tăng và cả máy bay.
Không chỉ hệ thống phòng ngự trên sườn đồi, Sư đoàn 3 cùng nhân dân xã Ân Phong, thanh niên, du kích xây dựng một hệ thống địa đạo xuyên qua lòng núi làm nơi trú quân an toàn giữ vững chốt Núi Bụt. Cấu trúc địa đạo gồm 3 cửa, cửa thứ nhất có dạng hình vòm cao khoảng 2 m, rộng 1,5 m, mở từ sườn phía Đông đào thẳng vào vách núi, miệng hầm dựng mái vách chữ A bằng tấm ri sắt, trụ sắt, cột gỗ. Cửa thứ hai mở từ sườn phía Tây khoảng giữa lưng chừng sườn núi, cửa hầm hình tròn được đào sâu xuống khoảng 1,5 m theo bậc cấp và thông với cửa hầm thứ nhất theo đường hầm có hình vòm cao khoảng 2 m, rộng chừng 1,2 m. Cửa thứ ba được mở từ đỉnh đồi thẳng từ trên xuống, cửa hầm hình tròn, đào xuống theo bậc cấp sâu khoảng 2 m, đường hầm chài ra chạy dài thông với đường hầm cửa thứ nhất và cửa thứ hai. Tại cửa trên đỉnh đồi được xây dựng một hầm “bò” đặt súng máy, pháo cối để đánh máy bay địch.
Trong vòng 4 tháng, toàn bộ đường hầm bên trong được đào có chiều cao từ 1,8 - 2 m, chiều rộng là 1,2 - 1,5 m. Chiều dài toàn bộ của 3 đường hầm địa đạo dài khoảng 250 m, bên trong có nơi đào rộng ra làm nơi hội họp, làm trạm phẫu cứu chữa thương binh, làm nơi trú quân, đặt giường cá nhân đóng cây cột móc võng…
Theo ông Nguyễn Văn Minh, nguyên Huyện đội trưởng huyện Hoài Ân: “Trong vòng 4 tháng kiên trì, vượt qua những thách thức, khó khăn, tổ chức đào địa đạo cả ngày lẫn đêm, thay phiên nhau từng nhóm từ 3 đến 5 người vừa đào, vừa chuyển đất ra bên ngoài, với những dụng cụ như cuốc chim, xẻng cá nhân, xe đẩy, sọt giỏ… đào hoàn thành địa đạo với đường hầm dài khoảng 250 m xuyên sâu vào trong lòng Núi Bụt.”
Địa đạo Núi Bụt hoàn thành đưa vào sử dụng, trở thành một nơi trú quân an toàn, tạo sự an tâm cho cán bộ chiến sĩ, dân quân du kích tham gia giữ chốt. Từ khi có địa đạo, quân và dân ta đã đẩy lùi hàng chục trận càn bằng xe tăng, phi pháo và máy bay bắn phá, hòng chiếm lại cứ điểm quan trọng này của Mỹ ngụy, Núi Bụt không chỉ được giữ vững mà còn trở thành một căn cứ luyện tập, huấn luyện chiến đấu thuận lợi cho lực lượng bộ đội và du kích bám chốt đánh địch trong suốt thời gian từ năm 1973 cho đến mùa xuân 1975.
Một biểu tượng của trí tuệ và lòng quả cảm
Địa đạo Núi Bụt là chứng tích lịch sử về một thời kháng chiến trường kỳ, gian khổ, hy sinh của quân và dân Hoài Ân nói riêng, Bình Định nói chung trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Di tích này là một minh chứng lịch sử sống động về sức sáng tạo, khả năng dựa vào dân để chiến đấu trong thời kháng chiến trường kỳ, gian khổ, hy sinh của quân và dân Hoài Ân nói riêng, Bình Định nói chung.
Núi Bụt kiên cường giữa lòng nhân dân xã Ân Phong. Ảnh: Bảo tàng Bình Định
Ghi nhận đóng góp quan trọng của các công trình này trong lịch sử chiến đấu bảo vệ quê hương, Địa đạo Núi Bụt được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 16.6.2009.
Ông Võ Văn Tín, Trưởng phòng VH-TT-TT huyện Hoài Ân, cho biết: Địa đạo Núi Bụt là niềm tự hào của quân và dân Hoài Ân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần bảo vệ vững chắc vùng giải phóng Hoài Ân từ năm 1972 cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975. Những năm qua, huyện Hoài Ân rất quan tâm đến việc bảo vệ và tuyên truyền cho người dân hiểu về giá trị các di tích, trong đó có địa đạo Núi Bụt. Việc khôi phục lại địa đạo là mong muốn của địa phương, nhưng do công trình có quy mô quá lớn, vượt quá khả năng nên huyện đề nghị tỉnh hỗ trợ đầu tư nâng tầm di tích, bảo vệ và phát huy để khai thác vào nhiều mục đích từ giáo dục, văn hóa, du lịch…
Trò chuyện với tôi, anh Nguyễn Đình Trí (SN 1991, thôn An Đôn, xã Ân Phong, huyện Hoài Ân) tâm tình: Ông ngoại tôi là liệt sĩ Nguyễn Lộc, người từng tham gia tích cực vào sự nghiệp chống Mỹ tại huyện Hoài Ân cho đến lúc hy sinh. Địa đạo Núi Bụt là niềm tự hào của người dân xã Ân Phong nói riêng và cả tỉnh ta nói chung. Là một người trưởng thành sau chiến tranh, tôi rất mong chính quyền có thể khôi phục lại địa đạo, biến đây trở thành nơi tham quan, là “địa chỉ đỏ” để các thế hệ thanh niên có thể hiểu hơn lịch sử đấu tranh bảo vệ quê hương của cha ông.
Hiện nay, tỉnh Bình Định đang tích cực triển khai khảo sát, nghiên cứu, xây dựng giải pháp để từng bước tôn tạo, khôi phục lại một phần hệ thống địa đạo Núi Bụt, định hướng đưa các di tích này trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.
ĐẶNG VĂN ĐỆ