Sân khấu nghệ thuật truyền thống Bình Định với đề tài lịch sử
Hằng năm, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh phục hồi, nâng cao 1 vở tuồng và 1 vở ca kịch bài chòi; đồng thời dàn dựng thêm 2 vở mới ở mỗi thể loại. Trong đó, đề tài lịch sử được Nhà hát chú trọng nhằm tham gia giáo dục truyền thống yêu nước, yêu dân tộc.
Những năm gần đây, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh dàn dựng mới nhiều vở diễn đề tài lịch sử, được công chúng đón nhận nồng nhiệt, như: Vua thánh triều Lê, Thanh gươm công lý, Nước Nam niềm khát vọng, Cô thần, Khí tiết rạng trời Nam… Trong số đó, có những vở diễn được hai đoàn nghệ thuật của Nhà hát là Đoàn tuồng Đào Tấn và Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định tham gia các cuộc thi, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đạt giải cao.
Vở ca kịch bài chòi Cô thần được Nhà hát dàn dựng mới, dự thi đạt HVC tại Liên hoan nghệ thuật tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 2022. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Nghệ sĩ Thái Phiên, diễn viên Đoàn tuồng Đào Tấn đoạt HCV với vai diễn vua Lê Thánh Tông trong vở Vua thánh triều Lê tại Liên hoan nghệ thuật tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 2022, bộc bạch: “Khác với đề tài dân gian hay hiện đại, các nghệ sĩ có thể sáng tạo về diễn xuất theo đặc thù của vở diễn, còn những vở diễn đề tài lịch sử, nhất là vào vai những nhân vật nổi tiếng, anh hùng dân tộc đòi hỏi người diễn phải tìm hiểu kỹ về lịch sử Việt Nam để có lối diễn thể hiện rõ thần thái của từng nhân vật lịch sử”.
Dàn dựng nhiều vở tuồng, ca kịch bài chòi về đề tài lịch sử, đạo diễn - NSND Hoài Huệ chia sẻ, ông rất say sưa, như muốn “bung lụa” trên sân khấu khi đứng vào vị trí đạo diễn những vở diễn về lịch sử dân tộc. Điển hình là vở ca kịch bài chòi Cô thần (tác giả kịch bản: Văn Trọng Hùng, tác giả chuyển thể: NSƯT Tấn Hào) có nội dung ca ngợi lòng trung quân báo quốc của vị quân sư tài ba Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ - người có công lớn trong xây dựng vương triều Tây Sơn, cũng như hóa giải mối bất hòa giữa hai anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ.
Vở diễn trên đã đoạt HVC tại Liên hoan nghệ thuật tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 2022. “Dàn dựng vở diễn về đề tài lịch sử không phải là minh họa lịch sử, mà phải có sáng tạo, nhưng không được “phi lịch sử”. Với tôi, khi đạo diễn những vở về đề tài lịch sử Bình Định tôi luôn dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu và cá nhân luôn dành tình cảm kính ngưỡng đối với tiền nhân. Như một nghi thức riêng để mình có thể “thổi hồn” đưa nhân vật lên sân khấu, đúng với không gian của nó. Tôi nghĩ, đó cũng là một cách bày tỏ niềm tự hào đối với quê hương, đất nước”, NSND Hoài Huệ tâm tình.
Tác giả kịch bản Đoàn Thanh Tâm cũng viết khá nhiều kịch bản sân khấu tuồng được Nhà hát dàn dựng, như: Vua thánh triều Lê kể về quá trình vua Lê Thánh Tông vén bức màn bí mật giải oan cho Nguyễn Trãi - một đại công thần của triều Lê sơ - bị tru di tam tộc bởi oan án Lệ Chi Viên; Nước Nam niềm khát vọng viết về vua Thành Thái - vị vua triều Nguyễn có tinh thần yêu nước, chống Pháp và rất gần gũi với dân chúng; Khí tiết rạng trời Nam khắc họa chân dung anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực - một người con quê gốc Bình Định - thủ lĩnh nghĩa quân ở Nam bộ kháng chiến chống thực dân Pháp, lập nên nhiều chiến công lẫy lừng.
“Tôi lấy cảm hứng từ những nhân vật, anh hùng dân tộc có công lao lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, có tính kịch, để xây dựng chủ đề tư tưởng, tuyến nhân vật… rồi viết kịch bản theo sự sáng tạo nghệ thuật, truyền tải những thông điệp nhân văn, giáo dục tinh thần yêu nước đến với công chúng”, tác giả kịch bản Đoàn Thanh Tâm chia sẻ.
Theo Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Văn Bá Dũng, việc xây dựng các vở tuồng, bài chòi khai thác đề tài lịch sử đã trở thành thế mạnh của sân khấu nghệ thuật truyền thống Bình Ðịnh. Theo kế hoạch, quý IV/2023, Nhà hát sẽ dàn dựng 2 vở mới, tiếp tục chú trọng lựa chọn, khai thác, dàn dựng các vở diễn về đề tài lịch sử dân tộc, cũng như đề tài lịch sử Bình Định.
ĐOAN NGỌC