An Lão: Thu nhập khá với cây nghệ
Những năm gần đây, bên cạnh các loại cây trồng quen thuộc, nhiều hộ dân huyện An Lão chịu khó tìm tòi, thử nghiệm một số loại cây trồng mới, đặc biệt là những loại cây trồng có khả năng đưa vào trồng ở những chân đất cằn, nơi những loại cây trồng quen thuộc đạt hiệu quả thấp. Từ quá trình tìm tòi ấy, nhiều hộ đã phát hiện được cây nghệ thích hợp để trồng và cải tạo những chân đất cằn, đạt hiệu quả kinh tế khá cao.
Gia đình bà Lê Thị Thúy, thôn Thanh Sơn, xã An Tân thu nhập ổn định với 2 sào nghệ. Ảnh: D.T.D
Gia đình bà Lê Thị Thúy, ở thôn Thanh Sơn, xã An Tân, có 2 sào đất bạc màu, thử trồng rất nhiều loại cây nhưng đều thất bại. Quyết tâm không để đất bỏ hoang, năm 2021, sau một thời gian thử nghiệm, bà Thúy mua hơn 1 tạ nghệ giống về trồng. Thực tế cho thấy cây nghệ thích ứng rất tốt, phát triển ổn định, dễ chăm sóc, kháng được nhiều loại sâu bệnh, ngay năm đầu tiên đã cho năng suất gần 1 tấn củ/sào, với 2 sào nghệ bà lãi được gần 20 triệu đồng.
Bà Thúy chia sẻ thêm: Cây nghệ được trồng từ tháng 6 âm lịch, sau 10 - 11 tháng sẽ thu hoạch. Để cây nghệ đạt năng suất cao, trong khi trồng cần thực hiện đúng kỹ thuật như khoảng cách trồng, độ sâu, băm tơi đất trồng, áp dụng các biện pháp giữ độ ẩm cho đất... Trên diện tích trồng nghệ, nếu chịu khó cải tạo đất mình có thể xen canh các loại rau màu ngắn ngày khác như đậu phụng, đỗ… khi đó thu nhập còn cao hơn nữa.
Cũng tại thôn Thanh Sơn, gia đình anh Võ Hồng Đỉnh đưa cây nghệ vào trồng trên diện tích hơn 1 sào. So sánh hiệu quả kinh tế giữa cây nghệ với một số cây trồng truyền thống, anh Đỉnh cho biết thu nhập từ cây nghệ khá cao. Trên cùng một diện tích, năm 2021, gia đình trồng cây mì và chỉ lãi được 3 triệu đồng, trong khi đó cây nghệ đem lại tới hơn 8 triệu đồng.
Mô hình chuyển đổi trồng nghệ trên diện tích đất bạc màu đã mở ra hướng phát triển sản xuất mới cho bà con nông dân huyện An Lão. Không chỉ xã An Tân mà ở xã An Hòa, thị trấn An Lão, nhiều hộ cũng chuyển sang trồng nghệ trên đất bạc màu.
DIỆP THỊ DIỆU