Giúp người khuyết tật cải thiện cuộc sống
Với sự hỗ trợ từ nhiều dự án, công tác phục hồi chức năng cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống của họ ngày càng được cải thiện tốt hơn.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 43.000 người khuyết tật có nhu cầu can thiệp y tế. Tuy nhiên, hệ thống y tế lại chưa đáp ứng đủ. Được sự tài trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tỉnh Bình Định đang thực hiện giai đoạn 2 của Dự án “Hãy nắm tay tôi” và Dự án “Hòa nhập”. Trong thời gian thực hiện các Dự án, mảng phục hồi chức năng (PHCN) của ngành y tế ngày càng có điều kiện phát triển.
Từ cơ sở y tế…
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, chia sẻ: Điều trị và PHCN như là 2 chân của con người, muốn đi tốt phải cân bằng và song hành với nhau. Tuy nhiên, vì nhiều lý do trước giờ mảng PHCN chưa được quan tâm đúng mức. Với sự hỗ trợ của các Dự án và nỗ lực của cán bộ y tế, mấy năm gần đây, PHCN ngày càng tốt hơn và hứa hẹn sẽ còn phát triển tốt hơn nữa. Hiện tại, ngoài Bệnh viện Y học cổ truyền và PHCN tỉnh, các TTYT ở Tây Sơn, An Nhơn, Phù Cát cũng đã triển khai PHCN theo nhóm đa ngành và chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng ở các địa phương khác.
Nhân viên y tế hướng dẫn bệnh nhân PHCN tại Bệnh viện Chỉnh hình và PHCN Quy Nhơn. Ảnh: Đ.T
TTYT huyện Tây Sơn là nơi có số lượng bệnh nhân được tham gia điều trị theo PHCN đa ngành cao nhất ở tuyến huyện. Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc TTYT huyện Tây Sơn, chia sẻ: Bệnh nhân PHCN đa số thuộc diện nghèo. Do vậy, khả năng đi xa để tiếp tục tham gia phục hồi rất khó khăn. Được sự hỗ trợ của tỉnh và một số dự án, chúng tôi phát triển mảng này để người dân không phải đi xa. Cùng với đó, chúng tôi cũng phát triển đội ngũ CTV ở các xã, thị trấn để tạo thêm thuận lợi trong việc chăm sóc, hướng dẫn PHCN cho người dân.
Một thuận lợi rất lớn của tỉnh ta là có 1 bệnh viện chuyên khoa Trung ương đứng chân trên địa bàn - Bệnh viện Chỉnh hình và PHCN Quy Nhơn (Bộ LĐ-TB&XH). Bác sĩ CKI Trần Thị Ngọc Sương, Phó Trưởng khoa PHCN (Bệnh viện Chỉnh hình và PHCN Quy Nhơn), cho biết: Hiện, Khoa PHCN của bệnh viện này điều trị cho 80 - 100 bệnh nhân nội trú/ngày. Ngoài thăm khám, chỉ đạo điều trị, các bác sĩ còn kết hợp với điều dưỡng và kỹ thuật viên để đưa ra phương pháp điều trị phục hồi tốt nhất thích ứng với từng bệnh nhân.
... đến cộng đồng dân cư
Đầu tháng 8.2023, Dự án “Hãy nắm tay tôi” giai đoạn 2 tiếp tục có buổi hỗ trợ các dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật tại huyện Phù Cát và Tuy Phước nhằm hỗ trợ người khuyết tật cải thiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày tại gia đình và cộng đồng. Ông Nguyễn Phước, cán bộ Dự án tại Bình Định, cho biết: Để cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật, Dự án làm đánh giá ban đầu về nhu cầu của người khuyết tật, khám sàng lọc, sau đó sẽ tổng hợp dữ liệu, chọn người phù hợp đưa vào chương trình chăm sóc tại nhà thuộc phạm vi Dự án. Tiếp theo, Dự án tập huấn cho những hướng dẫn viên, giám sát viên tuyến xã; đồng thời cũng tổ chức tập huấn cho người chăm sóc hoặc người khuyết tật có khả năng tự chăm sóc cho bản thân. Nhằm cải thiện việc sinh hoạt hằng ngày cho người khuyết tật, Dự án triển khai hoạt động đánh giá nhu cầu về cải thiện môi trường tiếp cận, cũng như nhu cầu về dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật. Dựa vào đề nghị của các chuyên gia mà Dự án mời đánh giá, Dự án sẽ xem xét và tiến hành mua sắm, cấp phát và hướng dẫn tại chỗ các dụng cụ trợ giúp.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, ở khu phố Trung Lương, thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, cho biết: 7 năm trước, chồng tôi bị tai biến, xuất huyết não, đột quỵ. Sau khi điều trị xong, ông ấy phải tập luyện rất nhiều để có thể đi lại được dù rất yếu nhưng lúc tắm lại rất khó khăn. Sau khi Dự án thăm hỏi, chúng tôi được tài trợ ghế tắm, các anh cũng hướng dẫn sử dụng rất tận tình.
Bà Ngô Thị Hoa, Trưởng Khoa Vật lý trị liệu, TTYT huyện Phù Cát, chia sẻ: Dự án “Hãy nắm tay tôi” tại huyện Phù Cát được thực hiện từ năm 2019, đến năm 2020 chúng tôi triển khai được ở 5 xã. Tại đây có các hoạt động như chăm sóc sức khỏe tại nhà, cấp phát các dụng cụ trợ giúp cho những người khuyết tật sinh hoạt hằng ngày. Tiếp đó, triển khai thêm 6 xã và bây giờ đã có 18/18 xã, thị trấn triển khai hoạt động này.
ÐỖ THẢO