Tang thương trên đất Trung du
Đến khoảng 10 giờ ngày 9.3, sau gần 19 giờ tìm kiếm, thi thể của 3 nạn nhân vụ chết đuối ở bãi biển Thiện Chánh (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) mới được tìm thấy. Thêm một hồi chuông khẩn thiết được gióng lên trước nỗi ám ảnh mang tên đuối nước.
Nỗi đau
Vụ việc được phát hiện vào lúc 15 giờ ngày 8.3. Những người bán hàng rong trên bãi biển Thiện Chánh như không tin vào mắt mình. Lần lượt 3 bóng người bị sóng quật ngã, nhấp nhô theo từng đợt sóng. Những tiếng kêu khản giọng như lạc đi trong gió.
Rất khẩn trương, người dân địa phương huy động tàu tổ chức tìm kiếm. Nhận được tin báo, Đồn Biên phòng 308 (xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn) cũng nhanh chóng đưa lực lượng đến tham gia cứu nạn. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, lúc này sóng lớn, gió khá mạnh. 3 thuyền cùng hàng trăm người tích cực tìm kiếm, nhưng đến hết đêm vẫn không thấy dấu hiệu gì.
Tản sáng, 3 thuyền khác được huy động thay thế. Dàn câu cá hố cũng được bủa xuống biển. Lúc này sóng đã êm dần. Tuy nhiên, mãi đến gần 10 giờ, thi thể đầu tiên mới được tìm thấy ở độ sâu gần 30m. Sau đó, 2 thi thể còn lại cũng được đưa lên bờ. Tất cả 3 thi thể đều còn nguyên quần áo dài.
Không tổ chức học vào ngày 8.3
Chiều ngày 9.3, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Trần Thức, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết ngày 8.3 Trường không tổ chức dạy học mà cho học sinh thi đấu bóng đá vào buổi sáng. Một số giáo viên nữ có đi tham quan ở Đà Nẵng từ tối thứ 5 đến chiều thứ 6. Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Cấp, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Diệu, xác nhận ngày 8.3 Trường cũng không tổ chức giảng dạy, chỉ tổ chức lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ. “Công đoàn có tổ chức cho một số ít giáo viên đi dã ngoại ở Phú Yên. Ngày học thứ 6 sẽ được bù vào Chủ nhật, theo kế hoạch của Công đoàn từ trước”, ông Cấp cho biết.
Anh Nguyễn Tám, cán bộ khuyến ngư xã Tam Quan Bắc, cho biết: “Những người chứng kiến tai nạn kể rằng, lúc vụ việc xảy ra, không có em nào trong số các nạn nhân tắm biển. Các em chỉ chơi đùa ở mép sóng. Tuy nhiên, do bất cẩn, 2 em đã bị sóng lớn cuốn trôi. Em còn lại nhào ra cũng bị cuốn theo”.
3 nạn nhân lần lượt được xác định, gồm: Lê Anh Kiệt (SN 1995, ở xã Ân Hữu, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Trần Quang Diệu), Nguyễn Phú Cường (SN 1995, ở xã Ân Tường Đông, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) và Lưu Thanh Cao Trí (SN 1995, ở xã Ân Phong).
Trung du dậy sóng
Gần 12 giờ trưa, thi thể của Lê Anh Kiệt mới được đưa về đến nhà em ở đội 7, thôn Liên Hội, xã Ân Hữu. Bà con, hàng xóm, bạn bè tập trung rất đông để chia buồn cùng gia đình Kiệt. Kiệt còn một em trai, ba là thợ may, mẹ làm nghề trang điểm cô dâu. Bà Võ Thị Thi, hàng xóm của nhà Kiệt cho hay, từ nhỏ đến giờ, Kiệt là đứa hiền lành, ít nói, biết vâng lời người lớn.
Sau khi tai nạn xảy ra, UBND xã Tam Quan Bắc đã mua 1 tấm lưới, người dân mua 1 tấm (mỗi tấm trị giá gần 10 triệu đồng) để tìm kiếm thi thể nạn nhân. Người dân cũng đóng góp trên 20 triệu đồng để tổ chức tìm kiếm và lo hậu sự. Nhiều người còn lên tận nhà các em để phúng điếu, chia buồn. “Gia đình chúng tôi thật sự xúc động và biết ơn trước lòng tốt của cán bộ, nhân dân địa phương và các chiến sĩ Đồn Biên phòng 308”, anh Lưu Vĩnh Thanh, chú của nạn nhân Lưu Thanh Cao Trí, bày tỏ.
Cô Nguyễn Thị Lục, giáo viên chủ nhiệm của Kiệt cũng xác nhận: “Ở lớp, Kiệt ngoan và lễ phép. Gia đình em rất quan tâm đến chuyện học hành của con. Học kỳ 1 vừa rồi, mấy lần Kiệt vắng học không lý do, tôi gọi báo gia đình, cha mẹ Kiệt đều đi tìm ngay. Đưa con đến lớp xong hết giờ lại lên đón về. Học kỳ 2 này, Kiệt chưa tự ý bỏ học lần nào”.
Tối 7.3, Kiệt ngủ lại nhà Bùi Long Dương, bạn cùng lớp. Sáng ra, Dương xin mẹ đi chơi ở Tam Quan cùng bạn. Mẹ Dương không cho, còn gọi báo cho anh Lê Văn Châu, ba của Kiệt. Khi Kiệt cùng bạn về nhà xin phép đi chơi, anh Châu kiên quyết không cho. Nhưng rồi, khi Kiệt năn nỉ và hứa sẽ không đi xuống vùng biển, mẹ của Kiệt đã xiêu lòng. Và, chuyến đi chơi định mệnh ấy đã cướp đi sinh mạng của 3 thanh niên tuổi 18.
Cùng thời điểm trên, ngôi nhà nhỏ chưa được tô vách của gia đình Lưu Thanh Cao Trí ở đội 5, thôn An Hậu, xã Ân Phong, như oằn mình trước nỗi đau quá lớn. Ba là thợ hái dừa, gia cảnh khó khăn nên Trí phải bỏ ngang khi đang học dở lớp 11. Chị Lưu Thị Loan, cô của Trí, nghẹn ngào: “Hai mẹ con nó đã đặt vé để chiều nay (tức 9.3) vào Sài Gòn làm ăn. Vậy mà…”.
Thêm 3 nạn nhân của đuối nước. Nỗi ám ảnh mang tên đuối nước chưa kịp nguôi ngoai đã trở về trong tâm trí người dân đất Trung du...
NGUYỄN VĂN TRANG