Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới
(BĐ) - Sáng 28.8, Ban chỉ đạo Chương trình hành động số 11-CTr/TU của Tỉnh ủy (CTHĐ số 11) tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện CTHĐ số 11 ngày 14.5.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025”.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: N.H
Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo; Nguyễn Giờ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NN&PTNT, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: N.H
Theo báo cáo tại cuộc họp, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện CTHĐ số 11, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phối hợp đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ được các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì Hội nghị. Ảnh: N.H
Các chương trình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn, dự án liên kết sản xuất tiếp tục đem lại hiệu quả thiết thực. Các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, hữu cơ, VietGAP… ngày càng tăng, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được cấp nhãn hiệu. Phương thức chăn nuôi được chuyển dịch đúng hướng, từ nhỏ lẻ sang trang trại tập trung, gắn với đầu tư chuồng trại, trang thiết bị hiện đại. Công tác trồng rừng cây gỗ lớn, gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) được quan tâm, đẩy mạnh. Ứng dụng công nghệ cao trong khai thác thủy sản tiếp tục được tăng cường, nhất là khâu bảo quản sản phẩm sau khai thác.
Công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung, xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm được quan tâm; cơ sở hạ tầng nghề cá, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư, nâng cấp.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương của ngành NN&PTNT năm 2021 tăng 3,15%; năm 2022 tăng 3,26%; 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,27% (chỉ tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2025 tăng 3,2 - 3,6%).
Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc trình bày báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện CTHĐ số 11. Ảnh: N.H
Đến cuối năm 2022, có 5 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt so với mục tiêu đến năm 2025 gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương của ngành NN&PTNT, diện tích trồng rau an toàn đã được chứng nhận VietGAP, sản lượng khai thác thủy sản, sản lượng khai thác xa bờ, công nhận sản phẩm theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Giám đốc Sở KH&CN Lê Công Nhường phát biểu tham luận. Ảnh: N.H
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua thực hiện CTHĐ số 11 còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đối với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Công tác phối hợp giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện CTHĐ số 11 có lúc, có nơi chưa thường xuyên, kịp thời.
Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn Phạm Trương phát biểu tham luận. Ảnh: N.H
Hoạt động tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm chăn nuôi nói riêng gặp nhiều khó khăn, giá cả không ổn định; công tác dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm, định hướng sản xuất nông nghiệp theo từng thời điểm cụ thể, thu hút đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, cũng như việc nhân rộng các mô hình công nghệ cao còn hạn chế. Việc triển khai thực hiện chương trình OCOP còn lúng túng, sản phẩm OCOP phát triển nhanh nhưng chưa bền vững.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo và các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, các địa phương đã phát biểu, tham luận phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, đề xuất các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Để thực hiện có hiệu quả CTHĐ số 11, đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần vận dụng linh hoạt, hiệu quả, tổ chức thực hiện quyết liệt 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã đề ra trong dự thảo báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu kết luận tại Hội nghị. Ảnh: N.H
Theo đó, tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Có biện pháp xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị thiếu quan tâm sâu sát, chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Các cấp, các ngành, nhất là ngành Nông nghiệp chú trọng tập trung bố trí nhân lực, kinh phí để tăng cường phối hợp, hợp tác chặt chẽ, bài bản với các viện, các cơ quan nghiên cứu, đổi mới nội dung nghiên cứu, đẩy nhanh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT, nhân rộng các mô hình mới, hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị sản phẩm, nhất là một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Nguồn: BTV
Tiếp tục duy trì, mở rộng các phiên chợ nông sản, hình thành các HTX chuyên tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa... để quảng bá và phát triển mạng lưới tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người nông dân.
Tập trung huy động có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống nước sạch, các hồ, đập, kênh mương; hiện đại hóa trung tâm hậu cần nghề cá; xử lý các vấn đề môi trường nông thôn... Đồng thời tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư vào sản xuất, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh sớm đi vào hoạt động.
Các ngành chức năng của tỉnh rà soát, nghiên cứu, đề xuất bổ sung thêm một số cơ chế, chính sách mới khả thi phù hợp, để thúc đẩy, phát triển ngành Nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, chú ý tăng cường bố trí nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng CSXH tỉnh, gắn với sự linh động trong hoạt động cho vay của ngân hàng, nhằm đảm bảo nguồn vay cho người dân.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp về huy động vốn; huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn để hỗ trợ các địa phương hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với huyện Phù Mỹ và Tây Sơn để hoàn thành chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành Nông nghiệp, nông thôn, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, có trình độ chuyên môn kỹ thuật và tâm huyết với ngành.
NGUYỄN HÂN