Thành bại của cải cách hành chính nằm ở ý thức người đứng đầu
Ðó là khẳng định của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình hành động số 09-CTr/TU của Tỉnh ủy tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 14.5.2021 thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII về cải cách hành chính, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 - 2025.
Hội nghị được tổ chức chiều 28.8 theo hình thức trực tiếp (tại Văn phòng UBND tỉnh) kết hợp trực tuyến, kết nối đến UBND 11 huyện, thị xã, thành phố.
Đổi mới trong chỉ đạo, điều hành
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình hành động số 09-CTr/TU (CTHĐ số 09), Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao trong quá trình thực hiện đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của người đứng đầu các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương về cải cách hành chính (CCHC).
UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã có sự đổi mới về chỉ đạo, điều hành, phương thức tổ chức thực hiện, thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ CCHC, tập trung trên một số nội dung trọng tâm do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, những vấn đề còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC). Qua đó giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành.
Một số mục tiêu, chỉ tiêu của CTHĐ số 09 đến nay đã đạt và vượt mức đề ra: 100% TTHC đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định; 86,9% thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công toàn trình của tỉnh được tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 92,7% cán bộ chuyên trách cấp xã có trình độ đại học trở lên; 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử được xác thực điện tử…
Chất lượng giải quyết TTHC được nâng cao; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, giảm thời gian, chi phí thực hiện các TTHC; cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được duy trì, mở rộng, nâng cao hiệu quả. Việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được đẩy mạnh đã phát huy hiệu quả tích cực, bảo đảm thông tin thông suốt, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Công tác CCHC của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên việc tổ chức thực hiện các nội dung CCHC của các bộ chỉ số cấp tỉnh như: Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số quản trị hành chính công (PAPI), Chỉ số CCHC (PAR INDEX) chưa cao, kết quả đạt được chưa thật sự như kỳ vọng.
Việc rà soát, đơn giản hóa TTHC ở những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, DN còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tập trung đề xuất các phương án giảm thành phần hồ sơ, tái cấu trúc quy trình, mẫu đơn điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức nộp hồ sơ trực tuyến.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc giải quyết TTHC liên thông chưa thật sự thông suốt, dẫn đến tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn, đặc biệt đối với các TTHC trên lĩnh vực đầu tư, đất đai…
Vận động, hướng dẫn người dân đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Ảnh: CA tỉnh
Thay đổi tư duy, nhận thức, cách hành xử
Để tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu CTHĐ số 09 của Tỉnh ủy đề ra, Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp: Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền. Tập trung hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, nâng cao hơn nữa chất lượng hiệu quả công tác xây dựng và thực thi pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư phát triển KT-XH. Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước; đẩy mạnh thực hiện phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước. Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính, có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý tài chính công, kiểm soát chặt chẽ ngân sách nhà nước chi thường xuyên và chi đầu tư công. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
“Cán bộ, công chức phải thay đổi rất nhanh về tư duy, nhận thức, cách hành xử với người dân, DN. Phải đảm bảo không có nhũng nhiễu; tạo thuận lợi nhất cho người dân, tăng niềm tin của người dân đối với chính quyền”.
Chủ tịch UBND tỉnh PHẠM ANH TUẤN
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện CTHĐ số 09 Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Thành bại của CCHC nằm ở ý thức của người đứng đầu. Thời gian tới, cần tập trung nâng cao nhận thức của người đứng đầu về 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ CTHĐ số 09 và các nội dung liên quan từ Đề án 06 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, cải cách TTHC cần thực hiện thực chất, tiếp tục cắt giảm số thủ tục, thành phần hồ sơ và thời gian giải quyết. Về xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, các huyện phải chịu trách nhiệm về hạ tầng công nghệ thông tin xuống tận xã. Các địa phương phải ủng hộ, tạo điều kiện để tổ chức Đoàn Thanh niên tham gia hiệu quả vào việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho thực hiện TTHC.
Mặt khác, cán bộ, công chức phải thay đổi rất nhanh về tư duy, nhận thức, cách hành xử với người dân, DN. Có chăm lo, tạo điều kiện cho DN hoạt động thì mới kéo được DN về đầu tư, tỉnh mới phát triển được.
Nguồn: BTV
“Phải đảm bảo không có nhũng nhiễu; tạo thuận lợi nhất cho người dân, tăng niềm tin của người dân đối với chính quyền. Chúng tôi vẫn nghe nói cán bộ, công chức, nhất là ở cấp xã “có vấn đề”. Có phải “bôi trơn” thì thủ tục mới nhanh hay không? Các đồng chí xuống phường, xã kiểm tra không báo trước, để xem còn tình trạng hành dân, bắt dân đi lại nhiều không, còn “tham nhũng vặt” hay không”, Chủ tịch UBND tỉnh đặt vấn đề.
“Kết quả thực hiện các dịch vụ công thiết yếu cho người dân tương đối tốt. Hoạt động đầu tư hạ tầng phục vụ cho quá trình thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đã được các địa phương quan tâm. Tuy nhiên, đến nay còn một số khó khăn, hạn chế, như người dân chưa có chữ ký số cá nhân chiếm tỷ lệ rất cao; tỷ lệ người dân đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 mới chỉ đạt khoảng 35%. Việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện TTHC đôi lúc chưa thông suốt...”.
Đại tá VÕ ĐỨC NGUYỆN, Giám đốc CA tỉnh
“Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 4 quy chế liên thông giải quyết TTHC có liên quan đến nhau, nhằm giảm tối đa số lượt đi lại của người dân, DN. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo việc cắt giảm mạnh thời gian giải quyết TTHC; từ năm 2021 đến nay đã cắt giảm thời gian giải quyết của 109 TTHC; rất nhiều thủ tục cắt giảm 5 - 10 ngày làm việc. Định kỳ hằng tháng, Văn phòng UBND tỉnh trích xuất dữ liệu và công khai danh tính các cá nhân giải quyết trễ hạn hồ sơ TTHC”.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh LÊ NGỌC AN
“Cần tiếp tục duy trì tốt hoạt động của đội ngũ hướng dẫn thực hiện TTHC theo hình thức trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã. Thực tế cho thấy, nơi nào làm tốt công tác này thì lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh rất cao. Quá trình thực hiện cần tập trung vào các TTHC có tần suất thực hiện nhiều đối với từng người dân, DN; chẳng hạn như thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chắc hẳn người dân muốn thực hiện ngay ở nhà”.
Giám đốc Sở TT&TT TRẦN KIM KHA
MAI LÂM