Cơ hội tốt quảng bá tiềm năng sinh vật cảnh, du lịch
Sau 10 ngày diễn ra sôi nổi, Triển lãm và Hội thi Sinh vật cảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên mở rộng năm 2023 đã khép lại với ấn tượng đẹp trong lòng công chúng, du khách. Ðây là cơ hội tốt để tỉnh Bình Ðịnh thúc đẩy kinh tế sinh vật cảnh phát triển gắn với phục vụ du lịch.
Cơ hội giao lưu, học hỏi
Theo đánh giá của Ban tổ chức Triển lãm và Hội thi Sinh vật cảnh (SVC) khu vực miền Trung - Tây Nguyên mở rộng năm 2023 (gọi tắt là Triển lãm), đây là Triển lãm cấp khu vực đầu tiên có sự tham gia của đầy đủ chủng loại SVC, như: Cây cảnh, hoa cảnh, cá cảnh, đá cảnh, chim, gà cảnh, tiểu cảnh và không gian sắp đặt..., với hơn 3.000 tác phẩm, sản phẩm SVC. Các gian hàng dịch vụ SVC luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo người yêu thích SVC và các nghệ nhân, nhà vườn.
Để Triển lãm diễn ra thành công, UBND tỉnh và TP Quy Nhơn đã dành toàn bộ khu vực mặt bằng lý tưởng - xung quanh Trung tâm Hội nghị tỉnh và Quảng trường trung tâm thành phố - nơi có không gian thoáng đãng, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, chiếu sáng), tổ chức đảm bảo an ninh trật tự tối đa... Tất cả được chuẩn bị kỹ lưỡng để sự kiện diễn ra hoành tráng, hấp dẫn.
Lần đầu tiên đến TP Quy Nhơn tham gia một sự kiện SVC có quy mô lớn, nghệ nhân Lê Tấn Kiểu, ở huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang), thổ lộ: “Không gian, mặt bằng tổ chức Triển lãm rộng rãi, nên việc di chuyển, bố trí sắp đặt cây cảnh thuận tiện, an toàn, các nghệ nhân có thể trình bày hết ý tưởng của mình. Ban tổ chức Triển lãm cũng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên chúng tôi. Công chúng ở đây rất gần gũi, thân thiện! Có thể là trong dịp Tết tới đây tôi sẽ trở lại Quy Nhơn để quảng bá, giao thương các sản phẩm cây cảnh nghệ thuật, hoa cảnh truyền thống ở Tiền Giang”.
Còn nghệ nhân Nguyễn Minh Vương, ở thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân) chia sẻ, anh rất vui khi được tham gia “sân chơi lớn” lành mạnh, bổ ích như thế này để có điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghệ thuật với nhiều nghệ nhân trên cả nước.
Triển lãm mở thêm cơ hội thúc đẩy kinh tế SVC phát triển.
Thúc đẩy kinh tế SVC phát triển
Triển lãm là dịp ghi nhận, tôn vinh các sản phẩm làng nghề, nhà vườn, nghệ nhân trong nước, đồng thời kết nối phong trào sản xuất - kinh doanh SVC, tạo cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường gắn với phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh Bình Định cũng như cả nước.
Nhận thấy đây là cơ hội lớn, nên gần 400 nghệ nhân, nhà vườn trong tỉnh đã đưa tác phẩm SVC đến tham gia; trong đó có nhiều gian hàng sản phẩm, dụng cụ phụ trợ SVC cũng được các nhà vườn, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh mang tới để giao thương. Trong số này có không ít sản phẩm SVC mang tính đặc trưng của vùng “đất Võ” là cây mai vàng.
“Ẵm” một giải bạc và một giải đồng từ 2 tác phẩm mai vàng tham gia thi cây cảnh nghệ thuật, nghệ nhân Trần Ngọc Tuấn - nhà vườn mai vàng Tuấn Tú, ở xã Nhơn Hạnh (TX An Nhơn) cho hay: “Triển lãm là cơ hội để quảng bá sản phẩm SVC của tỉnh. Từ đó, thương hiệu và giá trị của cây mai vàng Bình Định cũng được nâng lên, tạo cú huých mở rộng thị trường tiêu thụ cho vụ mai Tết năm nay”.
Mặc dù thời gian chuẩn bị ngắn, quy mô tổ chức lớn, nhưng các hoạt động của Triển lãm đều diễn ra theo đúng kế hoạch. Phát biểu tổng kết Triển lãm, TS Nguyễn Hữu Vạn, Chủ tịch Hội SVC Việt Nam, bày tỏ sự vui mừng: “Ngoài vai trò hướng dẫn, điều hành của Ban chỉ đạo Triển lãm, chính đóng góp của nhiều tổ chức hội, đơn vị, nhà vườn, nghệ nhân, DN trong cả nước đã làm nên thành công lớn cho Triển lãm này. Hội SVC Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hội SVC các địa phương, phối hợp UBND các tỉnh, thành trên cả nước tổ chức các sự kiện triển lãm, hội thi quy mô khu vực, toàn quốc và quốc tế trong giai đoạn tới, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển phong trào và ngành kinh tế SVC toàn diện, bền vững”.
NGỌC NHUẬN - TRỌNG LỢI